Dwight L. Moody, một nhà thuyết giáo nổi danh ở Mỹ, mỗi lần
lựa được một đầu đề nào thì viết lên một bao thư lớn, rồi khi đọc
sách gặp một tài liệu hợp với đầu đề, hoặc khi dạo mát tìm được một
ý, ông chép ngay lên một miếng giấy nhỏ, bỏ vào bao thư. Bao thư
của ông khác gì túi gấm của Lý Hạ?
Tổng thống Lincoln không dùng bao thư mà dùng nón.
Nhưng ghi vội như vậy chỉ là để cho khỏi quên, trước khi viết còn
phải chép lại kỹ lưỡng mỗi ý, rồi lựa chọn, sắp đặt. Nếu sách là một
bộ khảo cứu quan trọng thì cách tiện hơn cả là dùng thẻ mà tôi đã
chỉ vài kiểu mẫu trong cuốn Tự học để thành công.
Bạn nên nhớ những quy tắc sau nầy khi viết lên thẻ:
- mỗi thẻ chỉ được ghi những ý thuộc về một đầu đề,
- chỉ nên chép lên một mặt thẻ, mặt kia để trắng phòng sau có
muốn thêm bớt, sửa đổi gì không. Một thẻ không đủ thì viết tiếp
sang thẻ khác.
- Nên ghi vắn tắt; nếu phải chép cả một đoạn dài thì nên chép vào
một tập riêng, rồi trong thẻ ghi đại ý trong đoạn, cùng số tập và số
trang có đoạn ấy.
- Khi trích một đoạn của ai thì phải chép cho thật đúng, ghi xuất
xứ, lồng vào trong dấu ngoặc kép để khi đọc lại, khỏi lầm với những
câu tóm tắt hoặc lời phê bình cùng cảm tưởng của bạn.
Trước khi chép vào thẻ, ta nên lựa kỹ mỗi ý. Thường ý nào mới
tìm được, ta cũng cho là hay; nửa tháng hoặc một tháng sau, bình
tĩnh xét lại, ta mới thấy nhiều ý không nên giữ.
Trong một chương trên, tôi đã nói nội dung quyết định hình thức
mà lời văn thời nầy cần nhất là thành thực, rõ ràng. Vậy ý nào chưa
được minh bạch thì bỏ đi, ý nào bạn chưa tin chắc cũng bỏ đi, đừng
tham tiếc.
Nên kiểm soát, tự phê bình và nhờ bạn thân phê bình khi muốn
phát biểu một ý kiến hơi lạ. Darwin khi soạn cuốn “Bàn về nguồn