Michelet, một sử gia khác, giàu tưởng tượng hơn, đã viết một
trang bất hủ:
“Tôi nhận thấy ngay rằng trong tĩnh mịch bề ngoài của những phòng ấy
(phòng trong thư viện), có một cử động, một tiếng xì xào không phải là của
cõi chết. Những giấy tờ, những bằng sắc để đó từ lâu, chỉ đòi sống lại.
Những giấy tờ ấy không phải là giấy tờ mà là đời sống của những người,
những tỉnh, những dân tộc. Mới đầu là những gia tộc, những thái ấp đầy
huy chương trong bụi bặm, kêu nài người ta nhắc nhở tới. Những tỉnh đã
nổi dậy, viện lẽ chính sách trung ương tập quyền thật vô lý, làm chúng bị
tiêu diệt. Những tờ du của các vua cho rằng mớ luật lệ thời nầy không xóa
bỏ được chúng. (…) Hết thảy những cái đó sống và nói, chúng bao vây tác
giả như một bộ đội trăm lưỡi mà tiếng nói của Cộng hòa và Đế chế đã tàn
nhẫn làm im bặt. Thong thả chứ, các ông quá cố ơi, xin các ông để cho tôi
làm việc có tuần tự”.
Tại Âu, Mỹ, có những sở tài liệu chuyên thu thập, phân tích, giữ
gìn tài liệu và sẵn sàng hướng dẫn công việc tìm tòi của bạn.
Ở nước mình, tài liệu đã thiếu mà bạn phải kiếm lấy trong các:
- tự điển, niên giám; tờ điều trần,
- thư tịch ký lục của ngoại quốc (vì ta chưa có loại nầy)
- tạp chí phổ thông hoặc chuyên môn.
- nhật báo,
- mộ chí, thư từ của tư nhân, công văn, mục lục sách, chương
trình các cuộc hội họp, di tích đủ mọi loại của tiền nhân…
Khi tìm được một tài liệu hoặc một ý nào thì ta nên ghi lại liền, dù
đã lên giường nằm rồi cũng phải dậy chép ngay vào một miếng giấy.
Một thi nhân Trung Quốc thời xưa, đương ngồi trong nhà xí,
bỗng tìm được một vần thơ, vội kiếm cách ghi ngay lên tường cho
khỏi quên. Một thi nhân khác, Lý Hạ đời Đường, luôn luôn đeo một
túi gấm, hễ nghĩ được câu nào, chép ngay, bỏ vào túi.