Hoa gọi là “phúc cảo” nghĩa là làm bản dáp trong bụng. Đó là cách
của Alfred de Vigny. Trong tập Nhật ký của ông có đoạn kể:
“Ngày và đêm, cả trong giấc ngủ, tôi viết một cuốn sách ở trong tâm
linh tôi. Chép nó lên giấy tôi thấy nhẹ nhàng như được nghỉ ngơi hoặc như
được chích máu ra
Tôi có cấu tạo một cuốn sách đâu. Nó tự cấu tạo lấy. Nó chín và nẩy nở
trong đầu tôi như một trái cây.
Baudelaire bảo cách đó mau hơn cả:
“Ngày nay phải sản xuất nhiều – nên phải đi mau - ; vậy nét bút nào
cũng phải có kết quả, không một nét nào vô ích.
Muốn đi mau, phải suy nghĩ lâu từ trước, phải dắt díu đầu đề cho mình,
trong lúc đi chơi, đi tắm, trong quán cơm và gần như cả trong khi lại nhà
nhân tình nữa. E. Delacroix
một hôm bảo tôi: Nghệ thuật là một vật
tận mỹ, phù du tới nỗi dụng cụ nào cũng không thích hợp với nó, phương
tiện nào cũng không đủ nhanh để ghi nó”. Văn chương cũng thế, vậy tôi
không chịu sự gạch, xóa: gạch xóa làm mờ tấm gương tư tưởng đi”.
Và ông chỉ trích cách viết của Balzac. Balzac hễ tìm được đầu đề
nào là ngồi chép ngay tất cả những ý hiện ra trong óc rồi sửa đi sửa
lại, thêm đoạn nầy, bớt đoạn khác, đảo lên đảo xuống, gọt giũa từng
câu. Theo Baudelaire, chính vì không chịu nghĩ chín trong óc rồi hãy
viết mà Balzac, văn không gẫy gọn, tiểu thuyết mất tính cách nhất
trí.
Nhưng A. Gide lại bênh vực Balzac. Ông nói rằng mới đầu ông
cũng làm sẵn câu trong đầu, khi nào nó hoàn toàn rồi mới chép lên
giấy; nhưng sau ông thấy cách ấy không hiện thực bằng cứ “nắm”
lấy khúc đầu hoặc khúc cuối câu, chẳng cần biết đoạn kia sẽ ra sao,
“nắm” rồi “kéo” thì câu sẽ ra.
Hai lối viết đó thực trái ngược nhau. Tôi tưởng làm một bài thơ
hoặc viết một bài văn ngắn thì có thể theo cách của Baudelaire; còn
nếu soạn một tác phẩm dài mà suy nghĩ trước cho thật chín, không