để có một nét bút nào vô ích thì lâu lắm, chứ không mau như ông
nầy nghĩ.
Nhưng đó cũng còn tùy thói quen của từng người.
Riêng tôi, tôi đã theo A. Gide mà không ngờ. Mấy cuốn đầu, tôi
nghĩ sẵn mỗi câu trong óc, đọc thầm nó thấy xuôi tai rồi mới ngồi
dạy chép; nhưng sau thấy như vậy cũng mệt, phải nhớ từng ý, từng
tiếng và sửa trong đầu không tiện bằng sửa trên giấy; nên tôi thay
đổi phương pháp, nghĩ được ý gì là chép ngay, để “cụ thể hóa” tư
tưởng cho dễ trông thấy rồi sửa chữa sau. Tất nhiên tôi phải tốn
công chép bản thảo hai ba lần mới hoàn thành vì phải gạch xóa,
thêm bớt nhiều, song tôi nghĩ, không vì vậy mà lời kém gãy gọn,
sách thiếu tính cách nhất trí như Baudelaire đã bảo. Nếu sách tôi viết
có hai tật ấy là tại tôi vụng, chứ không phải tại phương pháp làm
việc.
Như tôi đã nói ở một chương trên, biết tự sửa văn tức là biết viết
văn.
Sửa văn bằng óc và bằng tai. Sửa bằng óc là áp dụng những quy
tắc về nghệ thuật viết văn để tìm lỗi trong văn mà chữa lại. Khi mới
vào nghề, ai cũng phải dùng đến lối ấy.
Khi viết đã quen, thẩm mỹ đã đúng, thì chỉ cần đọc chậm và lớn
tiếng, cũng thấy ngay được lỗi. Lúc đó ta sửa bằng tai. Ta không
phân tích nữa, chỉ dùng trực giác mà xét. Gustave Flaubert cứ viết
xong một đoạn lại ngừng, ném cây bút lông ngỗng vào cái mâm
đựng bút rồi đưa cao tờ giấy lên, lấy giọng đọc. Các cụ ta hồi xưa
bình văn cũng là để thưởng những câu hay và tìm những đoạn dở.
Nhưng đọc ngay sau khi viết, không thấy được hết lỗi. Nên đợi
lúc hứng đã nguội, nếu có thể được, đợi lúc ta gần như đã quên hẳn
đầu đề rồi hãy đọc lại, thì óc ta mới có thể tự xét văn ta một cách
sáng suốt như xét văn người.
Nhà văn thường quá khoan hồng, nhưng cũng có khi quá nghiêm
khắc với mình, mà không biết giá trị của mình: như trường hợp của