Tuy nhiên, vui vẫn ít mà khổ vẫn nhiều. Hứng tới, ta thấy thích
thật nhưng ta có dùng mọi cách để giữ nó thì cơ thể ta cũng không
thể chịu đựng nó được lâu, rồi nó cũng rời ta để mặc ta lao tâm gọt
văn, phô ý. Cho nên trừ một số nhà văn viết cực dễ dàng mà phần
đông họ không thành công, còn những nhà lưu danh thiên cổ thì
đều nhận viết văn là một cái nợ, mệt hơn kéo cầy: J. J. Rousseau thức
suốt đêm để nghĩ văn; Buffon cứ viết được một lúc, thấy nóng đầu,
phải ngưng, đi chơi cho mát người rồi về viết tiếp; Taine hễ ngồi viết
hai ba giờ luôn là đầu choáng váng, không còn suy nghĩ được nữa,
tinh thần như kiệt đi.
Và đây ta nghe Philippe Soupault than thở:
Khi người ta đem ấn cảo lại cho tôi sửa
là nỗi “đau khổ” của tôi tới.
Tôi cắt bớt, kéo dài, đẽo, gọt rồi xé bỏ. Lúc đó là lúc khó nhọc. Tôi bảo:
“Chán lắm rồi! Không muốn viết tiểu thuyết nữa đâu”. Tôi lại cắt, lại sửa,
coi lại bài. Tôi viết lại cả cuốn sách “trong cơn đau khổ”.
Tận tụy nhất với nghề, có lẽ là Flaubert. Trong những bức thư cho
Louise Colet, luôn luôn ta thấy giọng rên rỉ như một người bị cực
hình:
“Tôi cắn rứt, tôi ngứa ngáy khó chịu. Tiểu thuyết của tôi khó viết quá”.
Lần khác:
“Truyện Bovary tiến chậm: một tuần được hai trang”
“Tôi đã sửa chữa, chép lại, thay đổi những trang trong cuốn đó (cuốn
Bovary) nhiếu tới nỗi bây giờ trông vào hoa cả mắt… Tôi không hiểu tại sao
đôi khi cánh tay tôi không rụng khỏi thân tôi vì mỏi mệt, và không hiểu sao
đầu tôi không nát nghiến ra. Tôi sống một đời khắc khổ, thiếu hẳn nỗi vui ở
ngoài…”
Trong những hàng ấy, chắc ông không nói ngoa cho lắm, vì chính
Maxime du Camp, khi chép kỷ niệm về ông, cũng viết:
“Ông ấy rên rỉ, hổn hển, quay cuồng trong khi viết, thở phì phì như anh
thợ nhào bột vậy; coi không phải là một nhà văn cầm cây bút nữa mà giống