một anh phu nhễ nhãi mồ hôi. Có lần ông mệt tới nỗi, đúc xong được một
câu, ông thấy cơ thể rã rời, văng mình xuống ghế tràng kỷ mà ngủ thiếp
đi”.
Khổ như vậy, nên nhà văn nào mỗi khi viết xong một tác phẩm
cũng đặt bút xuống, thở phào ra, khoan khoái trong mình. Người ta
bảo tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn. Chí lý thay! phải
hoài thai nó hàng tháng, hàng năm, trong lúc đó, đi đâu, làm việc gì
cũng nghĩ tới nó, rồi khi đẻ nó ra thì vừa khổ mà vừa sướng.
Nhưng tình của nhà văn đối với đứa con tinh thần có hơi lạ. Anh
em Goncourt viết trong tập Nhật ký.
“Thật kỳ dị, về văn chương, tác phẩm viết xong rồi, thì ta cắt tình hẳn
với nó. Tác phẩm mà ta không mang nặng, không nuôi nấng nữa, đối với ta
hình như xa lạ. Bạn lạnh lùng, buồn chán, gần như ghê tởm sách của bạn
viết ra”.
Hai bạn thi sĩ của tôi cũng nhận vậy. Bài thơ nào mới làm xong
cũng thích, thích hơn hết cả những bài trước: nhưng chỉ ít lâu, rồi lại
đâm ghét, không buồn nhắc tới nữa.
Có người khi viết xong một tác phẩm là muốn tống nó đi liền,
muốn giao ngay cho nhà xuất bản, làm gì thì làm, vì hễ còn trông
thấy nó là còn nhận thêm ra được một vài tật của nó, rồi lại phải mệt
óc sửa chữa, xóa xóa, bôi bôi.
Loài vật, khi mới sanh con, rất cưng nó, hy sinh để bảo vệ nó,
nhưng khi nó đủ lớn, đã đủ sức để sống một mình thì mẹ con không
còn chút tình gì với nhau cả. Tình của nhà văn đối với những đứa
con tinh thần của mình phải như vậy chăng?
Mà nghĩ kỹ, lẽ ấy cũng tự nhiên. Có cắt tình như thế nhà văn mới
sáng tác thêm được nữa; nến cứ đèo bồng mãi với tác phẩm cũ thì sẽ
coi đi coi lại hoài, sửa tới sửa lui hoài mà cái việc sửa văn, biết thế
nào là xong? cái việc thưởng văn, biết thế nào là toàn bích?
Xét về viết văn thì không thể quên vấn đề đạo văn. Đạo văn có
nhiều hình thức: trích dẫn một bài hoặc một đoạn mà nhận làm của