Courchamps thực là “gái đĩ già mồm”, bị bắt quả tang mà còn gân
cổ ra cãi, tưởng đâu người ta không trưng bằng cớ ra được, không
ngờ một ký giả của tờ báo kia có sẵn cuốn tiểu thuyết đó trong tay.
Ta nên phân biệt đạo văn và bắt chước văn. Bắt chước là mượn ý
của người khác rồi suy nghĩ thêm, xếp đặt lại, diễn một cách khác.
Trong giới văn nhân, người ta thường công nhận ý là của chung, lời
mới là của riêng. Goethe, một đại văn hào của Đức đã nói: “Ngày
nay chúng ta không thể nào còn tìm ra được một tình trạng nào mới
mẻ nữa. Chúng ta chỉ có thể mới – nếu cho là mới - ở cái cách thức,
cái nghệ thuật phô diễn mà thôi. Tùy Viên, một thi hào đời Thanh
cũng nhận: “Miệng ta muốn nói cái gì thì cổ nhân đã nói rồi, tay ta
muốn viết cái gì thì cổ nhân đã viết rồi”.
Lời của Goethe không đúng hẳn, thời đại mới thì luôn luôn có
những tình trạng mới chứ! Nhưng quả như Hư Chu đã bảo: “ (..)
nếu bạn không phải là một vĩ nhân thì hết thảy những điều có thể có
trong óc của bạn (…) đều đã có và đang có trong một bộ óc nào
khác”, cho nên tôi đã thấy sự mượn ý hoặc trùng ý đã xảy ra rất
thường.
Machiavel mượn ý của Plutarque; Shakespeare dịch nhiều câu của
Montaigne; Molière, V. Hugo, Nguyễn Du… đều đã mượn ý của
người xưa mà vẫn là những thi hào, văn hào bất hủ. Người ta còn
khuyên chúng ta nên học cách “mượn văn” – ai dám bảo các vị ấy là
đạo văn? – của những thiên tài đó nữa.
Tuy nhiên khi mượn văn, bạn nên nhớ điều này là mượn của
người xưa thì không đáng trách, còn mượn của một nhà văn đương
thời thì vẫn bị thiên hạ chê bai.
Edmond Rostand một nhà soạn kịch đại tài của Pháp, tác giả
những vở Aiglon, Chantecler mượn ý trong vở Ông hoàng lái buôn
Corneville của người đương thời là Eberly Gross mà trước tác vở
Cyrano de Bergerac. Gross bèn đi kiện, Edmond Rostand thua, vở
Cyrano de Bergerac, bị cấm không được diễn. Người đương thời ai