Vùng lãnh thổ của Lothaire trở thành nền tảng của xã hội phương Tây
là do Thiên Chúa giáo khi tiến về phía biên giới La Mã, đã gặp phải áp lực
của người man di đến từ “vùng đất hoang”, và dần dần khai sinh ra một xã
hội mới. Do đó, trong quá trình lần theo gốc rễ của nó trong quá khứ, dựa
vào quan điểm này, một sử gia phương Tây tập trung chú ý vào lịch sử
Thiên Chúa giáo và của người man di. Ông ta nhận thấy có thể đi theo dấu
vết cả hai dòng lịch sử này cho đến tận các cuộc cách mạng trong lĩnh vực
kinh tế, xã hội và chính trị trong hai thế kỷ cuối trước CN, khi xã hội Hy
Lạp - La Mã cổ đại bị sụp đổ do chấn động khủng khiếp từ cuộc chiến
Hannibal. Vì sao đế quốc La Mã vươn cánh tay dài của nó về hướng tây
bắc và thâu tóm góc phía tây của phần châu Âu bên kia dãy Alps? Vì nó đã
bị dẫn dắt về hướng đó do cuộc đấu tranh một mất một còn với Carthage.
Vì sao sau khi đã vượt dãy Alps nó dừng lại ở sông Rhine? Vì đến thời kỳ
Augustus, sức sống của nó đã kiệt quệ sau hai thế kỷ chiến tranh và đảo
chính. Vì sao người man di cuối cùng đã tràn qua biên giới? Bởi vì, khi sự
cách biệt giữa một xã hội văn minh và một xã hội kém văn minh hơn ngừng
lại, và cán cân thăng bằng không ổn định mà nghiêng về một bên, thì thời
gian sẽ ưu ái cho xã hội hoang sơ hơn. Vì sao, khi người man di tràn qua
biên giới, họ lại chạm trán với giáo hội ở phía bên kia? Có hai nguyên
nhân: Về mặt vật chất, do các cuộc cách mạng về kinh tế và xã hội theo sau
chiến tranh Hannibal đã đem về vô số nô lệ phương Đông để làm việc ở
những khu vực bị tàn phá của phương Tây, và cuộc di cư bất đắc dĩ của các
lao động phương Đông này đã kéo theo một quá trình thâm nhập ôn hòa
của các tôn giáo Đông phương vào xã hội Hy Lạp - La Mã. Về mặt tinh
thần, là do các tôn giáo này với lời hứa của họ về một sự cứu rỗi cá nhân ở
một “thế giới khác”, đã tìm thấy những vùng đất bỏ hoang để gieo trồng
trong tâm hồn của một “tầng lớp thống trị” vốn đã thất bại trong “thế giới
trần thế”, hòng mong cứu vãn vận mệnh của xã hội Hy Lạp - La Mã.
Trái lại, đối với một nhà nghiên cứu lịch sử Hy Lạp - La Mã, cả những
người Cơ Đốc giáo lẫn người man di đều hiện diện như những sinh vật của
một thế giới cặn bã - được gọi là “giai cấp bị trị”!
- trong và ngoài xã hội