của lực lượng bên ngoài và sự tiếp nối một giai đoạn của đời sống xã hội đã
bị ngắt quãng bởi cuộc xâm lược của ngoại bang. Vương triều Abbasid
được coi là sự tiếp nối của chính quyền trung ương vốn là giai đoạn tồn tại
cuối cùng của xã hội vẫn chưa được định danh của chúng ta, và như vậy
cuộc tìm kiếm phải ngược dòng lịch sử xa hơn hàng nghìn năm nữa.
Giờ đây chúng ta phải xem xét đến tiền đề trực tiếp của Đế chế
Achaemenid trong cuộc tìm kiếm hiện tượng mà chúng ta đã không tìm
thấy ở tiền đề của Vương triều Abbasid: đó là thời kỳ loạn lạc tương tự như
thời kỳ trong lịch sử Hy Lạp cổ ngay trước khi thành lập Đế chế La Mã.
Điểm tương đồng giữa sự thành lập Đế chế Achaemenid và Đế chế La
Mã là quá rõ ràng. Khác biệt chính về mặt chi tiết là chính quyền trung
ương của Hy Lạp cổ trưởng thành từ chính quyền đã từng là tác nhân chính
gây sụp đổ trong thời kỳ loạn lạc trước đó, trong khi ở sự thành lập Đế chế
Achaemenid, vai trò phá hủy và tái xây dựng Rome là của các chính quyền
khác nhau. Vai trò phá hủy do chính quyền Assyria đảm nhận, nhưng ngay
khi Assyria cố gắng hoàn tất vai trò này bằng cách khai sinh một chính
quyền trung ương trong xã hội mà nó vừa lật đổ, thì đã tự hủy diệt mình do
chủ nghĩa quân phiệt quá độ của nó. Ngay trước cảnh hùng tráng cuối cùng,
nhân vật chính đột ngột ngã quỵ (610 trước CN), và vai trò của nó bất đắc
dĩ được trao cho một diễn viên từ trước đến nay vẫn chỉ đóng vai phụ.
Người Achaemenid thu hoạch những gì mà người Assyria đã gieo trồng,
tuy vậy sự đổi vai này vẫn không làm thay đổi đặc điểm của vở kịch.
Như vậy, sau khi nhận diện được thời kỳ loạn lạc, giờ đây chúng ta ít
nhất đã có thể định danh xã hội đang tìm kiếm. Có thể khẳng định rằng đó
không phải là xã hội của người Assyria. Người Assyria, cũng như người
Macedon ở cảnh sau của vở kịch lịch sử trường thiên này, đóng vai trò
những kẻ xâm nhập đến rồi lại đi. Với xã hội chưa định danh này, khi nó
được thống nhất dưới Đế chế Achaemenid, chúng ta có thể dò theo tiến
trình loại bỏ các thành phần văn hóa ngoại lai do người Assyria đem lại qua
quá trình thay thế từng bước ngôn ngữ Akkadian và chữ viết hình nêm
bằng ngôn ngữ Aramaic (tiếng Syria) và mẫu tự Alphabet.