− Hở đến nách và hở nửa vú là Ngây thơ! Hở đến nách và hở nửa vú
là Ngây thơ!
− Tốt lắm! Anh cứ chịu khó học như thế vài lượt là đã thuộc mặt
chữ, à quên, không! là đã thuộc mấy kiểu mới mà nghệ thuật đã chế tạo đó.
Từ đây mà đi thì cuộc Âu hóa trông cậy vào cái óc thông minh riêng của
anh. Đây này, bộ này là bộ Kiên trinh, cho những vị quả phụ nào nhất định
không bước đi bước nữa,
(13)
cho nên quần áo kín đáo trông nghiêm nghị, cổ
áo lá sen lòe xoè che kín cả hai đường hằn của đôi vú. Bên cạnh thì là bộ
Lưỡng lự cho nên cổ áo kiểu khăn san thì che kín thân áo về một bên vú mà
để hở hẳn thân áo về một bên.
(14)
À quên, anh đọc nổi những chữ kẻ ở bảng
này đấy chứ?
− Bẩm vâng, chữ này kiểu cũ, tôi đọc được.
− Thôi, thế tôi để nguyên một mình anh với anh!
Trước khi ra đi, bà Văn Minh còn dặn:
− Anh lấy cái bảng có chữ Đóng cửa buổi trưa mà treo ra tủ kính rồi
anh ngồi trông hàng. Có ai vào thì tiếp, ai hỏi thì nhớ lấy rồi bảo tôi.
Thế rồi... cả bọn ra đi.
Xuân Tóc Đỏ đã hiểu rõ cái địa vị mình rằng trong cuộc Âu hóa,
trong cuộc cải cách xã hội, nó chỉ là một anh loong-toong.
(15)
Nó không bất
mãn ở chỗ ấy nhưng ở chỗ người ta không nhớ rằng nó cũng cần phải nghỉ
ngơi cơm nước như mọi người khác. Nó thấy đói lắm. Nó rất muốn trông
thấy bà Phó Đoan, nhưng bà đã lên xe hơi với con chó yêu quý của bà từ bao
giờ ấy rồi.
Nó đi đi lại lại trong cái cửa hàng vắng tanh êm ả, miệng lầm bầm
mấy lần: "Chả nước mẹ gì cả!" Rồi nó cầm cái chổi phất trần lần lượt phủi
bụi cho những chiếc ma-nơ-canh. Nó học thật to, lại nhai nhai giọng hò như
giọng ê a của trẻ con học bài thuộc lòng chữ Hán vậy.
(16)
Có điều đáng lạ là
bài nó học lại chính tự nó đặt ra.
(17)