XÁC ĐỊNH VĂN BẢN NỀN VÀ VIỆC CHÚ
THÍCH
Để trình bày trước bạn đọc toàn bộ kết quả khảo sát tình trạng dị bản
của tiểu thuyết Số đỏ từ khi được đăng báo lần đầu (1936-37) đến khi được
đưa vào một bộ tuyển của tác giả (1987), người khảo sát phải lấy một trong
các bản Số đỏ đã in ra trong thời gian ấy làm nền. Trong số 7/8 văn bản hiện
có để có thể đối chiếu so sánh tìm dị bản, nên lấy bản nào làm bản nền?
Thông thường, người ta sẽ khuyên nên chọn một trong số các văn bản
được in ngay trong sinh thời tác giả, tức là chọn văn bản nào được in với sự
tham dự hoặc sự chấp nhận trực tiếp của tác giả.
Ta biết, Số đỏ được đăng báo từ đầu tháng 10/1936 đến giữa tháng
1/1937 thì bị dừng lại khi còn thiếu 4 chương cuối, do tờ Hà Nội Báo bị
đóng cửa. Năm 1938 toàn bộ 20 chương truyện được in thành sách riêng.
Tháng 10/1939 tác giả qua đời.
Vậy là ngay trong sinh thời tác giả Vũ Trọng Phụng đã có 2 văn bản
in Số đỏ.
Tiếc rằng bản in thành sách riêng do nhà in Lê Cường thực hiện năm
1938 lại đang ở trong tình trạng mất văn bản, chưa tìm lại được. Đây lẽ ra là
bản cần được dùng gần như văn bản chuẩn mực, vì nó là 1 trong 2 văn bản
của Số đỏ xuất hiện khi tác giả còn sống, lại là văn bản in sách, có đầy đủ 20
chương truyện, tức là có toàn bộ văn bản tác phẩm.
Chính do thiếu bản in sách lần đầu này nên công việc khảo dị Số đỏ
của tôi đã tạm ngừng lại từ nhiều năm trước.
(1)
Bản Số đỏ đăng Hà Nội Báo hiện còn lại thiếu 4 chương cuối truyện.
Nếu chọn bản đăng Hà Nội Báo thì sẽ xử lý ra sao đối với 4 chương cuối