được sắp chữ từ những con chữ chì, – tức là kỹ thuật in phương Tây du nhập
vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX. Quy trình in sản phẩm sách báo kiểu này
thường trải qua các sản phẩm trung gian:
– Bản thảo dùng để sắp chữ: tác phẩm in lần đầu thường dùng chính
bản viết tay của tác giả; tác phẩm in lại thường dùng một bản in cũ; tất nhiên
bản thảo đưa sắp chữ phải là bản thảo đã được duyệt bởi chủ xuất bản;
– Các bản rập thử (épreuves, còn gọi là bản vỗ): là bản rập ra từ các
khuôn chữ, sắp chữ rồi rập thử ra giấy để dễ thấy các chỗ sai, sửa rồi lại rập
thử; rập ra sửa lại nhiều lần (ít nhất từ hai đến ba lần), cho đến khi được coi
là sửa xong, bản rập lần cuối, xem như bản chính thức, được gửi đi kiểm
duyệt; khi có kết quả kiểm duyệt đưa về, các khuôn chữ được sửa lại lần
cuối (thường đục bỏ những chỗ bị kiểm duyệt xóa),
– Bản in: bản in hàng loạt từ các khuôn chữ kể trên (theo số lượng in
đã định), sau đó sẽ được đưa đi đóng, xén, vào bìa, thành sách.
Những sai biệt gây ra tình trạng dị bản có thể phát sinh từ hầu hết các
khâu. Bản thảo của tác giả có thể có những sai sót về chữ về câu. Các bản in
cũ dùng làm bản thảo cho các lần in lại cũng vậy. Thợ sắp chữ có thể gây ra
sai biệt do sắp thiếu, thừa, sai lệch so với bản thảo. Thợ sửa in có thể gây ra
sai biệt khi không phát hiện ra những sai sót của thợ sắp chữ, hoặc sơ suất
làm sai lệch so với bản thảo. Trong quá trình in, các khuôn chữ bị rung lắc
có thể gây hiện tượng rơi chữ khỏi khuôn in, bản in bị mất một số chữ; có
khi thợ đứng máy in vuốt những chữ bị rơi chèn lại vào khuôn chữ đang vận
hành, khiến chữ nọ sẽ thế vào vị trí chữ kia…
Tóm lại, đây là sách in trên kiểu máy in chữ rời, vận hành nửa máy
móc nửa thủ công, thuộc một hệ thống thiết bị kỹ thuật mà hiện nay đã bị
thay thế (nếu còn thì chỉ còn trong bảo tàng).
Từ những năm 1990 trở đi, các thiết bị kỹ thuật in mới được nhập
vào Việt Nam; phổ biến nhất để in sách báo là công nghệ in offsett, ngoài ra
còn các loại in nổi, in lụa, in quay, in phun, in laser. Các công nghệ này đều