Trong bóng tối, chúng tôi lẳng lặng ở bên nhau, sự tĩnh mịch này còn
đáng quý hơn cả ngàn lời nói.
Tử Luật trốn đi, mật chiếu của Hoàng thượng càng giúp Kiển Trữ Vương
có lợi thế, cũng là một đòn phản kích mà chúng tôi không kịp ứng phó.
Song với tình trạng binh đao giao đấu trước mắt, một thánh chỉ há có thể
ngăn trở Tiêu Kỳ tiến bước? Thắng làm vua, thua làm giặc mới là chí lý.
Nói thì rất hùng hồn, rằng “Hiệu lệnh thiên hạ, cần vương dẹp loạn” –
nhưng hơn nửa binh mã trong thiên hạ đều nằm trong tay Tiêu Kỳ, những
châu, quận có can đảm ủng hộ hoàng thất, đối kháng với Tiêu Kỳ đều đã
đại bại, lần lượt đầu hàng, chỉ còn lại hai lão tướng Thừa Huệ Vương và
Kiển Trữ Vương ngoan cố, liều chết đối đầu. Họ còn lại lác đác binh mã
của vài trấn, trong lòng biết đại thế của hoàng thất đã mất, châu chấu không
thể đá xe, nên kiên quyết bo bo giữ mình, những kẻ khác thì ‘sống chết mặc
bay’.
Thái tử ở Hoàng lăng xa xôi, bị người khác khống chế, nên truyền ngôi
cho Tử Đạm cũng chỉ là câu nói suông. Hoặc nói cách khác, đây là sự phản
kháng cuối cùng của Hoàng thượng – dùng hết khả năng của mình, nhất
quyết không để cô cô vừa ý, không để Tử Long thuận lợi ngồi lên ngai
vàng.
Thê tử kết tóc, đứa con ruột thịt, nhà Đế vương một khi đã bất hòa thì kết
quả cuối cùng chính là như vậy.
Cô cô tính toán kỹ lưỡng, lại không tính đến giữa đường bị Tử Luật phá.
Mật chiếu này truyền ra ngoài, sau này Tử Long lên ngôi ắt không thể rửa
sạch được vết nhơ, cho dù có thành bậc thánh minh trị thế cũng không thể
nào hoàn mỹ không tỳ vết.
Nhưng dù có mật chiếu cũng không vãn hồi được thế cục Kiển Trữ
Vương binh bại như núi đổ.