cậu ta cũng là người được đấy. Trong giờ làm việc thì nghiêm túc, chỉ huy
người khác đâu ra đấy. Hết nhiệm vụ lại cũng như mọi thanh niên, đi chơi
trò chuyện với người nọ người kia. Mẹ nhớ ra rồi... tên là Kobori, gần
giống với Dookmali
Nếu không vì nhân vật được nhắc đến là người cô ghét thì Angsumalin
hẳn đã phải phá lên cười vì cách ghi nhớ tên của bà Orn.
Cách trừng phạt nghiêm khắc đó nhanh chóng được đồn đi khắp vùng,
làm cho mọi người đều chừa, không dám vào tắt mắt, nhặt nhạnh thứ gì
trong xưởng tàu đó nữa. Đồng thời người dân miệt vườn nơi đây bắt đầu
quen với việc những toán lớn lính Nhật xin vào thăm vườn, đường hoàng
mua cái nọ bán cái kia. Có khi nếu quý nhau thì chủ vườn còn cho thêm
mỗi người một túi to hoa quả mà không tính thêm tiền, còn phía người
Nhật đền đáp lại bằng cách đem những thực phẩm thiết yếu hằng ngày
nhưng rất đắt đỏ vào thời điểm đó như cà phê, đường, đồ hộp, v.v đến phân
phát, trao đổi tùy theo hai bên thỏa thuận với nhau. Ngoại trừ nhà vườn
nằm cách xưởng đóng tàu có một con lạch nhỏ phân ranh giới, cứ mỗi lần
lính Nhật vào xin mua trái cây, nếu gặp cô chủ vườn xinh đẹp là đều bị cô
nhăn mày nhăn mặt, trả lời ngắn gọn:
“Không bán!”
Nhưng nếu may mắn gặp bà mẹ tuổi trung niên, trông tươi cười vui vẻ
thì tình hình sẽ ngược lại, nghĩa là được bà cho hoa quả mà không phải trả
tiền hay trao đổi hàng hóa gì hết. Angsumalin tức tối đến mức ca thán:
“Cớ gì mà mẹ lại phân phát cho chúng hết như vậy. Mình phải trồng bao
nhiêu công mới được.”
“Mẹ có bao giờ thấy con hẹp hòi với ai như thế này đâu.”
“Thì tại mẹ lại cho nó miễn phí như vậy chứ sao ạ?”
“Người ta ở sát cạnh mình, mình cũng phải có tấm lòng hòa hiếu chứ
con. Họ tốt với mình thì mình tốt với họ, sẽ không xảy ra chuyện. Họ là
quân đội, có vũ khí trong tay, nếu mình có gì bất hòa với họ thì mình chỉ có
thiệt. Có chút ít trái cây cho họ đem đi ăn, mình cũng được phước. Cứ xem