chiếc đĩa. Khi cô bước ra ngoài hiên đã thấy anh bạn ngồi ngay ngắn cạnh
mẹ mình.
“Tốt rồi. Cháu được học bổng nhà nước thì về sẽ làm công chức luôn, đỡ
phải đi kiếm việc làm. Xới cơm đi Ang. Mắm ngọt nhà này là ngọt lừ, đúng
như tên gọi luôn. Cái Ang nó thích ăn ngọt.”
“Cháu cũng thích ăn ngọt ạ.”
“Wanas còn thích ăn cay nữa ạ, để người ta lấy ớt chỉ thiên cho nhé.”
“Thế này thì làm sao đi sống ở nước ngoài được?”
“Chắc cũng phải chịu thôi ạ. Cháu lại còn ghét đồ ăn Tây nữa chứ, thức
ăn gì mà cứ nhão nhão, nát nát, ngậy ngậy, mặn mặn, chẳng ra vị gì.”
Bà mẹ nhìn cô con gái đang ngồi chống tay cách chàng trai một khoảng
mà thầm thở dài khe khẽ. Cách đây không lâu, chủ tịch xã Nun đã nói bóng
gió với bà rằng:
“Cháu Ang nó dễ thương thật đấy. Bên nhà tôi cũng chẳng có con gái
nên yêu quý cháu như con đẻ. Mong là về sau chị Orn cũng không có gì
phản đối.”
Đấy là kiểu đánh tiếng của người lớn với nhau. Cho dù là mẹ, gần gũi
với con hằng ngày nhưng chỉ đến khi có người tới nói chuyện này, ý thức
rằng con gái mình đã lớn mới trở nên rõ rệt trong lòng bà. Người mà con
gái bà được dạm hỏi ấy cũng là chàng thanh niên bà biết rõ nhiều năm nay,
ở cậu không có điểm gì đáng chê trách. Dẫu vậy, người làm mẹ cũng không
khỏi lo âu, cảm giác lo lắng càng tăng lên khi nghe mấy chữ “đi nước
ngoài” chạm vào nỗi đau trong tim bà. Quá khứ xưa cũ đắng cay lại hiện về
khiến bà mẹ quyết định sẽ không được để có bất kỳ ràng buộc nào, tránh
cho lịch sử sai lầm lặp lại!
“Cậu Nas
sẽ đi mấy năm?”
“Theo quy định là năm năm ạ.”
“Cũng lâu đấy nhỉ.”