đảo ẩn chứa trong bức tranh đó. Mọi thứ nghệ thuật được trưng bày đều như
thế, những giấc mơ sôi sục lên dưới lớp sơn, dưới bộ da của những bức
tượng đồng. Clayton đã ở rất gần giấc mơ sáng tạo rồi nhưng gã vẫn chưa
biết làm thế nào để hiện thực hóa khoảnh khắc thăng hoa.
Nhưng giấc mơ nghĩ rằng nó biết cách. Ta cần sự sống để tạo ra sự
sống. Giống như “chuyện con ong con bướm”, cái suy nghĩ nó đánh cắp
được từ người đàn ông nó đang trú ngụ.
Cuối cùng nó đành phải rời viện bảo tàng nghệ thuật. Cái cơ thể này
luôn luôn có những nhu cầu khó chịu. Thế là bọn họ đang lái xe thì bỗng bắt
gặp đứa bé trai, đang ngồi gục vào một bên nhà chờ xe buýt, đầu dựa vào
tấm kính chịu lực đã trầy xước. Nó liền dừng xe lại và ngắm đứa bé đang
ngủ. Xung quanh không có ai. Đứa bé động đậy, chân nó đá đá ra, một lần,
theo phản xạ, giống như một con thỏ hay một con chó đá đá chân vậy hay
một loài động vật nào đó khác nữa.
Giấc mơ leo ra khỏi xe, đi lấy một thứ trong hộp đồ nghề gã đàn ông
hay để ở phía sau.
Nó nhớ ra điều này từ một giấc mơ của Clayton.
“Đứng lên đi!” Nó lắc lắc đôi vai trần của đứa bé đang nằm rũ, da dẻ
vẫn còn lạnh và ẩm ướt sau một đêm nằm trong tủ đông ở tầng hầm. Đầu
thằng bé ngật ra sau, và giấc mơ khóc nức nở vì giận dữ, những giọt nước
mắt của nó vỡ tan như thủy tinh rơi xuống sàn xi măng, giữa đám sỏi cát
trong đường hầm, giữa đám rác rưởi, bao cao su, lốp xe cũ, mẩu phấn từng
dùng để vẽ chân dung trên tường của một cô gái đang mỉm cười nhìn xuống
họ, cổ vũ một cách bình thản trong im lặng và bóng tối.
Nó mang đứa bé đến đây để mở lối cho thằng bé, mang đến chỗ gần với
biên giới Canada và Mỹ này, hy vọng rằng biên giới của các thế giới cũng
trùng lắp với nhau.
Nó không thể hiểu nổi đã làm sai chuyện gì, tại sao thằng bé không
chịu đứng dậy, có thể lúc đầu còn hơi loạng choạng trên đôi chân mới, giống
như một vị thần đồng áng, nhưng rồi thằng bé sẽ có thể chạy nhảy được, rồi
lao vút đi, rồi sau đó chính bản chất của thằng bé, sự tồn tại của thằng bé sẽ