VÙNG ĐẤT BẤT KỲ ĐÂU
Không có cái gì gọi là “làm theo sách” cả, Gabi biết thế. Mỗi vụ mỗi
kiểu. Nhưng ta bắt đầu từ những gì mình biết. Rồi lần ngược lại. Điền vào
chỗ trống. Daveyton không về nhà trong khoảng từ bốn đến năm giờ chiều,
trong khi thứ sáu thì giờ đấy thằng bé đã về nhà rồi. Nó rời trường tầm ba
giờ, theo lời của giáo viên môn khoa học phụ trách buổi “tụ tập” hôm đấy,
theo cách trường cấp hai Humboldt gọi việc quản lý học sinh sau giờ tan
học. Điều này đã được xác nhận qua đoạn phim cảnh sát thu được từ máy
quay an ninh của trường. Một ngôi trường không có đủ tiền để duy trì thư
viện nhưng lại có hệ thống camera giám sát và cả máy dò kim loại. Quả là
những ưu tiên lạ kỳ.
Bình thường, thằng bé sẽ đi bộ ra trạm xe buýt công cộng (vì trường
không có dịch vụ xe buýt riêng) với một cô bạn cùng lớp, Carla Fuentes,
nhưng hôm đó vì có hẹn với bác sĩ da liễu nên bố cô bé đã đến đón về từ
sớm. Điều đó nghĩa là thằng bé mất tích trên đường về nhà. Đó là nơi mất
tích khủng khiếp nhất, cái vùng-đất-bất-kỳ-đâu đó.
Cha mẹ thằng bé đều đã được thẩm vấn, từng người một và cả thẩm
vấn chung, có sự hiện diện của luật sư lẫn không có, và đều được đề nghị tư
vấn tâm lý. Cả hai ông bà đều đang làm việc vào thời điểm con trai họ mất
tích. Gia đình họ may mắn khi hai vợ chồng đều có nguồn thu nhập. Juliet
Lafonte làm nhân viên hành chính tại một phòng khám cho dù bệnh viêm
khớp khiến bà đánh máy chẳng được nhanh. Bà có nhân chứng xác nhận nơi
ở suốt cả ngày thứ sáu hôm đó.
Paul Lafonte làm giao hàng tại một nhà kho in ấn. Ông có bằng chứng
ngoại phạm hoàn hảo với một tờ phiếu chấm công có chữ ký của ông trên
đó. Công ty của ông cũng đã in hộ một xấp tờ rơi “Tìm trẻ lạc” để hai bậc
phụ huynh này nhét vào hộp thư hàng xóm láng giềng. Bọn họ sẽ phải in tờ
rơi mới. Không phải “bạn gặp cậu bé này chưa?” nữa mà phải là “bạn đã
gặp?”. Thì quá khứ, đã kết thúc rồi, không còn gì diễn ra trong thực tại nữa.