BÙNG CHÁY
“Đã hai tuần ở Detroit mà anh vẫn chưa đi tham quan nhà máy ô tô cũ
Packard à?” Jen trêu. “Anh là kiểu phóng viên trời ơi đất hỡi nào thế?”
Hỏi hay chưa, kẻ châm chích trong anh bật dậy.
“Tại anh dành phần lớn thời gian say xỉn đấy chứ,” Jonno trả đũa. Câu
đó nghe như thể anh suốt ngày ra ngoài ăn chơi thay vì nằm khoèo trong căn
hộ (gần trung tâm) thuê trên trang AirVacancy của một người thiết kế trang
web trong bốn tuần. Kế hoạch là quen với vùng đất mới, mua xe, tìm một
chỗ ở ổn định hơn, có thể kiếm một công việc pha chế rượu nào đó, gặp gỡ
những người sành điệu và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Vị chủ nhà
đã rất sốt sắng để lại cho anh cả một chồng tờ rơi giới thiệu thành phố và
xấp báo địa phương trên bàn nhưng giờ anh không tài nào đối mặt với Viện
Nghệ thuật Detroit hay khu dân cư Corktown lòe loẹt được, và thế là cứ mỗi
khi đi ra ngoài, anh chỉ đi xa đến quán rượu rồi lại hối hả trở về nhà.
Anh cần thời gian thích nghi. Anh cần “gia cố” bản thân mình. Có một
lần anh lỡ đi xa tới cái nhà hàng Pháp kế bên hành lang tầng dưới, nơi họ
chiếu những bộ phim của Fellini kèm phụ đề. Ở đó anh đã uống hết tám ly
martini khiến cô bé phục vụ dễ thương, cô bé đáng lẽ sẽ chú ý đến anh trước
khi xỉn quắc cần câu, đã phải dìu anh vào thang máy. Này thì sầu bi. Này thì
mất mát.
Này thì là mục nát trong một căn hộ của người lạ tiếc thương cho bản
thân đã trở thành một thằng ngốc nghếch thảm hại không biết đến tương lai.
Đáng lý ra nên suy tính thấu đáo hơn nhưng anh lại quá đau đớn để có
thể suy nghĩ mạch lạc. Anh đang trong giai đoạn rơi tự do sau những gì xảy
ra ở New York. Cho đến khi gặp Jen Q.
Jen-Jen-Jen.
Nàng thơ của anh, đấng cứu thế, nữ thánh tóc cuốn lọn, chính là số
phận đã ép anh ra ngoài tối thứ bảy đó. Nhà ngươi cứ hấp tấp đâm đầu vào
mọi thứ. Người Đàn ông Trở lại với Cuộc đời Kỳ diệu ạ.