Nhưng giờ khi anh đã có một chỗ dựa trong thành phố (và đúng, cả ô tô
nữa) thì Detroit bỗng trở thành một nơi hoàn toàn khác. Tất cả mọi người
đều biết đến Jen-Q., cô nàng sành điệu và được yêu mến. Cô thoải mái đưa
anh đến nhiều nơi người ta thường lui tới trong thành phố để rồi từ đó dẫn
lối đến những nơi mà anh không tưởng tượng nổi.
“Chúng tôi đến đây, bé lớn,” cô vừa nói vừa đậu xe dưới những cây cầu
nối giữa các khu trong nhà máy cũ Packard, một nhà máy đổ nát kéo dài vài
cây số.
“Địa điểm hành hương Cái-chết-nước-Mỹ số một đây,” Jonno nói.
Nhưng nói là nói thế chứ anh vẫn thấy ấn tượng. Một đống đổ nát trải dài.
Gạch vỡ và cột bê tông như đang đỡ lấy bầu trời. Mọi thứ đều mắc nghẹt
trong đám cỏ dại và tranh graffiti. Chữ “Đ.M” xuất hiện khá nhiều và khá là
phù hợp với nơi này.
Họ lái xe ngang qua chỗ mấy người đang chụp hình thời trang trong
một khu nhà xưởng tối tăm đầy gạch vụn. Một gã mình dây cây cảnh đang
cầm một tấm phản quang để hắt sáng cho một cô gái có mái tóc phồng kiểu
thập niên tám mươi đang mặc cái áo bikini cùng quần soọc ngắn cũn cỡn và
đứng hiên ngang thách thức cái lạnh giữa những cột trụ trong một nhà
xưởng sụt lún và bầu trời len lỏi phía sau.
Vài ông bà già vô gia cư đứng ở cánh cửa đối diện lom lom nhìn sang.
“Dân biến thái địa phương à?” Jonno châm chích.
“Đừng vội phán xét thế. Bọn họ sống ở đây. Họ lượm lặt chút ve chai
rồi rửa sạch và bán lại trên eBay. Có Chúa mới biết họ sẽ sống ra sao nếu
người ta xây dựng lại nơi này.
“Đó là một câu chuyện hay đấy. Anh nói chuyện với họ được không?
Anh có thể viết về điều đó.”
“Không,” Jen ngắt lời. “Để cho họ yên. Cũng có người làm mấy
chuyện đó rồi. Anh biết cái gì tệ hơn mười lăm phút nổi danh không? Đó là
vẫn mãi cứ mười lăm phút hết lần này đến lần khác mà vẫn không thay đổi
được gì cả. Bọn họ vẫn sống trong một tòa nhà bỏ hoang, vẫn lượm lặt kiếm
sống qua ngày.
Toàn những kẻ ất ơ, Jonno nghĩ, luôn vật lộn xem mình là ai.