nữa. Gần đến tuổi sáu mươi, ông đã kiểm soát được mớ hỗn độn của mình,
đã hiểu đời, nhưng lại chẳng có đứa nhóc nào chịu lắng nghe ông cả. Ông đã
trở thành một ông già nhiều chuyện. “Này con trai! Để ta nói con nghe cái
này.”
Mười phút sau khi mở cửa, mọi người chưa kịp lấy đồ ăn và ngồi
xuống thì đã nghe Lanny than thở, cằn nhằn về món bánh xoắn trong khi
ông ta muốn bánh quy giòn. Ông ta bảo mình từng làm bác sĩ nhãn khoa.
Thật là một từ hay ho để gọi một bác sĩ khám mắt, bởi vì các bác sĩ cần
những từ văn hoa cũng khẩn thiết như cần dao mổ, laze và áo bờ lu. Lanny
nói ông ta có thể chăm sóc chỗ sưng trên mí mắt của TK nếu tay không run
quá như thế. Ông ta bảo là do bệnh liệt rung nhưng TK nhìn vào là biết ngay
nghiện rượu, chưa kể là nửa chai rượu Hải Cẩu trắng ông này moi vội ra
khỏi túi để thêm hương vị cho cốc cà phê của mình.
Ở đây ông gặp đủ mọi loại người. Không chỉ bác sĩ nhãn khoa, mà bất
kỳ ai cũng có thể nhận ra bấy lâu nay họ vẫn đứng trên một cái bẫy sập
trong khi họ tưởng rằng mình là tâm điểm của sự chú ý.
“Lanny ơi, Lanny à,” TK quàng tay qua ông già. Làm một người hòa
giải tự phong nghĩa là ông phải xử lý mấy cái vấn đề vớ vẩn này. “Lanny,
ông bạn ơi, chuyện đó có gì đâu. Này, đổi cho ông phần của tôi. Tôi có ít
bánh quy giòn đây.”
Larry vẫn đang cằn nhằn. “Họ không đối xử với tôi đàng hoàng TK ạ.
Tôi có quyền được ăn bánh quy giòn chứ.”
TK dẫn ông ta đến cái bàn nơi Ramón và quý cô Diyana của cậu ta
đang ngồi, tay bám dính lấy nhau chặt hơn sam, nhìn nhau không chớp như
thể hai bé teen yêu nhau. Nhưng không giống mấy bé teen, bọn họ đủ từng
trải để hiểu những tình cảm này hiếm có và quý giá đến nhường nào.
Diyana dạo này đã hay cười hơn. Thường thì cô hay lấy tay che miệng
lại để không ai thấy có một chiếc răng đen, nhưng cô đã thoải mái hơn với
bản thân kể từ hồi quen Ramón. Tình yêu có thể làm được những điều như
thế.
“Giày đẹp đấy Ramón.” TK khen, nháy mắt về phía đôi giày đỏ với
một chút tiếc nuối. Ông thấy Ramón cũng có cạo râu nữa.