cụ già quay lại nói với tể tướng – tôi nhắc lại rằng chính tôi là kẻ sát nhân,
xin ngài hãy xử tử tôi, đừng chần chừ nữa!
Sự phản bác nhau giữa chàng trai trẻ và cụ già buộc tể tướng phải xin
phép viên quan chịu trách nhiệm trông nom việc hành quyết, hãy cho ông ta
được dẫn cả hai người đến trước hoàng đế. Viên quan này rất vui lòng chấp
thuận.
Đến trước mặt nhà vua, tể tướng phủ phục hôn mặt đất bảy lần và tâu như
sau: “Tâu Đấng thống lĩnh các tín đồ, thần xin đưa đến bệ hạ cụ già và chàng
trai trẻ này, người nào cũng khăng nhận mình là thủ phạm duy nhất và giết
hại dã man người đàn bà rồi ném xác xuống dòng sông Tigrơ. Chàng trai trẻ
nói là chính anh ta, song cụ già thì bảo ngược lại.”
Hoàng đế truyền cho tể tướng:
- Đã vậy thì cho treo cổ cả hai tên!
- Nhưng tâu bệ hạ, – tể tướng đáp – chỉ có một kẻ sát nhân mà xử cả hai
thì bất công.
Nghe vậy, chàng trai trẻ nói: “Tôi xin thề, nhân danh Thượng đế tối thiêng
liêng, rằng chính tôi đã giết người phụ nữ, chặt ra làm nhiều khúc và ném
xuống sông Tigrơ cách đây bốn ngày. Tôi không muốn bị xử phạt vì đã nói
sai sự thật trong ngày phán xét cuối cùng, bởi vậy chính tôi là kẻ đáng bị
trừng trị.”
Ngạc nhiên về lời thề, hoàng đế tin anh chàng nói thật, nhất là khi không
thấy cụ già đáp lại điều gì. Bởi vậy, quay về phía chàng trai, hoàng đế hỏi:
- Tên khốn nạn kia, căn cớ gì mày phạm tội ác ghê tởm ấy, và vì lý do gì
mày đến đây xin chịu tội chết?
- Tâu Đấng thống lĩnh các tín đồ, – chàng trai đáp -câu chuyện giữa tôi và
người phụ nữ ấy nếu được chép ra hẳn sẽ rất bổ ích cho người đời.
- Vậy ngươi hãy kể ta nghe, ta ra lệnh cho ngươi đó! -Hoàng đế phán.
Tuân lệnh vua, chàng trai trẻ bắt đầu câu chuyện như sau: