tràn trề hi vọng, suy nghĩ đến sự may mắn hoàn toàn do tình cờ mà có, chàng
cảm thấy tâm hồn yên tĩnh hơn rất nhiều kể từ khi bị bắt giải đến trước
hoàng đế và sau đó được tạm tha tội chết. Chàng vui mừng hồi lâu với những
ý nghĩ ấy. Nhưng bởi vì đã năm, sáu ngày liền không chợp mắt, buồn ngủ
quá không cưỡng được, chàng thiếp đi ngay dưới gốc cây.
Sáng hôm sau, trời vừa rạng, Alátđanh được đánh thức dậy một cách
khoan khoái bởi tiếng hót líu lo của muôn ngàn chim chóc ngủ đêm trên cây
mà chàng đang nằm dưới gốc và trên các cây cối khác rậm rịt trong vườn lâu
đài. Đưa mắt nhìn tòa nhà tráng lệ, chàng cảm thấy một niềm vui không thể
nào tả xiết, tưởng như mình sắp lại trở thành chủ nhân, và đồng thời cũng lại
là chủ nhân của công chúa Bađrunbuđua yêu quý.
Chàng đứng lên và bước đến gần phòng riêng của công chúa. Chàng đi đi
lại lại một lúc bên dưới cửa sổ, chờ cho trong nhà sáng hẳn và có người nhìn
thấy chàng. Trong khi chờ đợi, chàng cố nghĩ xem do đâu xảy ra điều bất
hạnh. Sau khi suy nghĩ lại kỹ càng, chàng không chút nghi ngờ gì nữa, bao
nhiêu điều không may xảy ra chỉ vì chàng đã rời cây đèn. Chàng tự trách
mình hờ hững và sơ suất, đáng ra không nên rời cây đèn bất cứ lúc nào. Điều
làm cho chàng băn khoăn hơn nữa là không biết ai là kẻ ghen ghét hạnh phúc
của mình. Hẳn chàng đã hiểu ra ngay nếu biết được, lúc này đây chàng và
tòa lâu đài đang ở trên đất Phi châu. Song thần nhẫn không hề nói chàng rõ
điều đó, vả lại chàng cũng không hỏi. Chỉ cần nhắc đến hai tiếng châu Phi
thôi đã đủ để gợi lên trong ký ức Alátđanh lão phù thủy người Phi, kẻ thù
không đội trời chung với chàng.