ý của ông đã không mang lại kết quả như ông mong muốn.
Tiếp đó tôi nghĩ tới chuyện sử dụng cho tốt số tiền to lớn này. Vợ tôi,
chưa chi đầu óc đã huênh hoang, bảo hãy nên mua cho thị và lũ trẻ con áo
quần thật đẹp, tậu một ngôi nhà lớn và sắm sanh đồ đạc thật đắt tiền vào.
Tôi đáp:
- Bà nó ơi, chúng ta không phải bắt đầu bằng kiểu tiêu pha như vậy. Bà cứ
để việc đó tôi lo. Những thứ bà cần dần dà rồi sẽ có tất. Mặc dù tiền sinh ra
để mà tiêu, ta vẫn phải tính như thế nào để có một cái vốn, có thể tiêu xài
hoài mà không cạn. Tôi đang nghĩ chuyện đó, ngay ngày mai, tôi tính
chuyện gây dựng cơ nghiệp.
Hôm sau, tôi dành cả ngày đi gặp một số khá đông những người làm cùng
nghề, họ cũng đều túng thiếu như tôi cho đến lúc bấy giờ. Tôi ứng tiền trước,
đặt họ làm các mặt hàng thừng chão khác nhau, mỗi người tùy theo tay nghề
của họ. Tôi hứa sẽ chẳng để họ phải chờ đợi, sẽ trả công khá và đúng hạn tùy
theo số hàng họ mang đến giao cho tôi. Ngày hôm sau, tôi đi đặt cho những
người chịu làm khoán cho tôi y như vậy. Từ dạo ấy, tất cả những người làm
thừng chão trong toàn kinh thành Bátđa tiếp tục làm ăn theo cách đó, rất hài
lòng vì tôi giữ đúng lời đã hứa với họ.
Vì thợ thuyền đông, làm ra hàng hóa rất nhiều, tôi thuê kho ở nhiều nơi
khác nhau. Ở mỗi kho tôi đặt một người đại lý thu nhận hàng cũng như để
trông nom việc bán buôn hoặc bán lẻ. Chẳng bao lâu, qua cách làm ăn đó, tôi
thu được một món lời đáng kể.
Tiếp đó, để tập trung về một nơi các kho phân tán, tôi mua một ngôi nhà
lớn trên một mảnh đất rộng, nhưng đã đổ nát. Tôi cho triệt hạ ngôi nhà ấy,
thay vào đó, xây cất một ngôi nhà mà Người thấy hôm qua.
Nhưng cho dù mặt ngoài nó trông bề thế vậy, bên trong gồm phần lớn là
kho, chỉ có một ít căn buồng vừa đủ cho tôi và gia đình tôi ở.
Tôi rời bỏ ngôi nhà cũ kỹ, dọn về ngôi nhà mới này được ít lâu thì một
hôm Xătđi và xắt, đã lâu không hề nghĩ tới tôi, chợt nhớ đến. Một bữa cùng
đi dạo mát, họ đi ngang qua phố tôi ở trước, và rất lấy làm lạ không thấy tôi
ngồi miệt mài bện thừng, như từng thấy mọi lần. Họ hỏi thăm tôi ra sao rồi,
còn sống hay đã chết.
Họ càng ngạc nhiên hơn khi biết người họ hỏi thăm ấy đã trở thành một
nhà buôn lớn, bây giờ người ta không gọi tên cộc lốc là Hatxan như trước,
mà là Côjia Hatxan Anhaphan, có nghĩa là “thương gia Hatxan người bện
thừng.” Vị thương gia ấy đã cho xây cất ở phố nọ, một ngôi nhà trông giống
như dinh thự các quan to.
Hai người bạn đến phố ấy tìm tôi. Dọc đường, Xătđi không thể nào hiểu