François Pétis De La Croix
Nghìn lẻ một ngày
Dịch giả: Phan Quang
Lời giới thiệu (D)
CẤU TRÚC NGHÌN LẺ MỘT NGÀY
Như đã nói, bộ Nghìn lẻ một ngày bắt đầu bằng một truyện dẫn. Nàng công
chúa nước Casơmia, sau một cơn ác mộng, đâm ra thù hận đàn ông và dứt
khoát không chịu lấy chồng. Bà nhũ mẫu Xutlumêmê hằng ngày kể cho
nàng nghe nhiều câu chuyện nhằm mục đích chữa cho nàng khỏi sự ám ảnh
bởi định kiến sâu sắc. Qua các truyện kể, bà cố thuyết phục nàng công
chúa, trên đời không thiếu những người đàn ông hào hiệp và chung thủy,
trước sau rồi nàng cũng sẽ gặp được một chàng trai yêu nàng tha thiết, để
nàng yêu lại hết lòng, không sợ bị người ấy lừa dối. Chuyện kể từng đoạn,
khớp với thời gian nàng công chúa ở trong nhà tắm, và sao cho thật lôi
cuốn, dừng lại ở chỗ gay cấn nhất, để những người nghe không bỏ dở
chừng. Sau đợt "tâm lý trị liệu" dài suốt một nghìn lẻ một ngày, nàng công
chúa đỏng đảnh và tàn nhẫn của chúng ta được giải thoát khỏi cơn trầm uất
vô căn cứ, rồi đồng ý kết hôn với chàng hoàng tử trẻ tuổi, đẹp trai nước Ba
Tư.
Độc giả không thể không liên hệ công chúa nước Casơmia với tiểu thư
Sêhêrazat trong Nghìn lẻ một đêm. Cô gái trẻ ấy buộc phải nghĩ ra những
truyện thật hay, thật hấp dẫn để tránh cái chết đang chờ, để được sống thêm
một ngày và kể tiếp câu chuyện dang dở. Nỗi lo trước hết cho tính mạng
của mình là một động lực kích thích trí tưởng tượng vốn dĩ phong phú của
cô gái chưa đến tuổi đôi mươi. Trường hợp bà nhũ mẫu Xutlumêmê có hơi
khác.
Động lực của bà là tình thương đối với cô con gái bà cho bú từ ngày thới
sinh bằng dòng sữa của mình. Bà biết rõ cô gái quá nhạy cảm này chỉ mắc
bệnh tâm lý và tinh thần. chứ chẳng ốm đau gì về thể chất. Chủ đề mọi câu
chuyện kể của bà tập trung vào một cái đích, và cuối cùng phát huy hiệu
lực thần kỳ đúng như bà tiên đoán.
Ngay trong Lời tựa của mình, F.P. De La Croix đã so sánh ý đồ của hai