thêm muôn vật quanh mình, làm ra nhiều đồ dùng và công cụ mới
để càng no ấm hơn. Trong trí óc, con người gắn mỗi hoạt động của
mình vào một buổi, một ngày, một tháng, một mùa, một năm nào
đấy. Ngày - đêm - năm - tháng trôi qua, như nước dòng sông chảy
xuôi không trở lại. Ngày nay, ta gọi những ngày - đêm - năm - tháng
liên tiếp như thế ấy là dòng thời gian. Con người gắn những hoạt
động của mình vào dòng thời gian, khác nào người đi đò ghi vào trí
nhớ những bến bờ, làng mạc, chợ búa nối tiếp nhau bên dòng sông.
Ngày nối ngày, năm tiếp năm… dòng thời gian có bao giờ chấm
dứt! Nhưng, chưa có lịch thì làm sao phân biệt năm này với năm kia?
Ngay gần đây, người Mơ Nông ở Tây Nguyên còn ghi nhớ từng năm
theo vị trí phát nương. Mỗi năm, dân làng lại đến một khu rừng
hoang để phát nương mới: họ bảo rằng đến “ăn” khu rừng ấy. Các
sự việc xảy ra trong năm, họ đều gắn với khu rừng mới khai phá: chú
bé này sinh vào thời chúng tôi “ăn” khu rừng này, hai anh chị kia lấy
nhau hồi chúng tôi “ăn” khu rừng nọ.
Như vậy, người Mơ Nông không chỉ gắn từng hoạt động của họ vào
dòng thời gian, mà còn gắn với một nơi, một chỗ nhất định trên mặt
đất. Không riêng người Mơ Nông, mà tổ tiên của chúng ta thuở xa
lắc xa lơ cũng không thể làm khác được. Vì mỗi hoạt động của họ
đều diễn ra trong một khu rừng, hay bên một con sông, dưới chân
một dãy núi, trên một vùng đất nào đó…Vì mỗi cộng đồng người
đều sinh hoạt trong một khoảng trời đất nhất định, với những quả
núi, dòng sông, cánh rừng cụ thể, với một phong cảnh quen thuộc: đó
là không gian của cộng đồng người. Con người gắn bó với không
gian của họ, không phải chỉ vì quen mắt, mà vì khoảng trời đất ấy,
những cánh rừng và núi sông ấy nuôi sống họ: ở đây, họ thuộc lòng
từng đường đi lối lại, thuộc tính nết của thú mồi, thuộc từng chòm
cây sẵn chim, thuộc từng khúc sông lắm cá... Cuộc sống đi săn, đánh
cá, đào củ nhiều khi buộc cộng đồng người rời chỗ ở cũ ra đi, tìm nơi
ở
mới. Nhưng lòng gắn bó với mảnh đất đã từng nuôi sống họ qua