Xung đột không phải hiếm, nhưng các tập thể ấy vốn ở cạnh
nhau trong một khu vực lớn, nói những thứ tiếng không xa nhau
mấy, chung nhau một lối sống, thường xuyên đi lại với nhau, cùng
nhau trao đổi lương thực thừa, nhiều lần chung nhau đắp một con
đê dài, đào một mạng lưới mương máng phức tạp… Vì vậy, mỗi khi có
những người lạ mặt từ xa kéo đến, định chiếm vùng đất mỡ mầu
của họ, là họ quên ngay các hiềm khích nhỏ, liên kết nhau lại thành
một lực lượng lớn để đương đầu với kẻ thù chung. Chẳng thế mà từ
thời rất xưa tổ tiên chúng ta đã truyền miệng câu chuyện Thánh
Gióng đánh giặc Ân. Cứ vậy, qua bao đời không còn ai nhớ nữa, nhiều
tập thể láng giềng đã được đúc lại thành một tập thể thống nhất,
lớn hơn trước nhiều, mạnh hơn trước nhiều, dưới quyền của một
thủ lĩnh tối cao. Nước đã ra đời, trên có vua Hùng, dưới có dân Lạc.
Đến đây, không gian của họ mở ra rất rộng, bao gồm tất cả những
không gian nhỏ của các tập thể nhỏ trước kia. Không một người dân
nào đi hết được vùng đất của nước họ, nhưng họ hiểu rằng họ phải
bảo vệ vùng đất ấy, không để cho người ngoài phạm vào khoảng trời
đất ấy, nếu họ muốn được cùng vợ con, làng xóm yên lành làm ăn.
Bên cạnh tình họ hàng, tình láng giềng, còn có tình đất nước nữa:
tình cảm của con người lớn rộng theo không gian của con người.
Đất nước rộng dần, dân nước đông dần, vua không thể đến
từng xóm, gặp từng nhà. Muốn thu thóc, muốn lấy người đắp đê
và đào mương, muốn tuyển quân đi đánh giặc, vừa phải dựa vào các
thủ lĩnh của từng vùng, từng nơi. Vua và các thủ lĩnh họp thành nhà
nước đầu tiên. Nắm nhà nước trong tay, vua lấy một phần của cải
của dân, bắt dân phục dịch mình. Nhưng, nắm nhà nước vua mới tổ
chức được những công việc có ích chung, mới lấy được người được của
để bảo vệ đất nước. Vua và các thủ lĩnh, cùng những người giúp việc
họ, không tự mình cày cấy, không ra tay chăn nuôi. Họ làm một thứ
công việc mới lạ và phức tạp: quản dân, tổ chức dân. Nhà nước phải ghi
nhớ nhiều việc, ghi nhớ để rút kinh nghiệm, để truyền cho dân biết