nhiên cây cỏ là thú. Bấm đốt ngón tay như thế đã ba mươi năm.
Năm Lãn Ông ngoài sáu mươi tuổi bỗng có chỉ truyền của phủ chúa
triệu về kinh chữa bệnh cho Đông cung thế tử
. Một anh học trò
nơi thôn xóm bỗng nhiên tiếng tăm động đến tai chúa, bốn bể
nghe danh, theo lẽ thường tình tất phải thấy tiền đồ rất có triển
vọng, mà mừng không xiết kể. Lãn Ông không thế. Được tin, người
cứ ngẩn ngơ canh cánh bên lòng; bụng cứ ân hận mãi:
- Sao mình đã đi ẩn mà chưa ẩn kín để cái danh hão kia làm luỵ
đến nông nỗi này!
Bèn tìm cách nói lót với quan thự trấn
nhờ viết hộ tờ khải
dâng chúa, mượn cớ già yếu xin miễn về kinh. Con cái thấy thế
sợ phải vạ to đều hết sức van nài. Mãi sau, Lãn Ông đành chịu đi…
Bước chân vào phủ chúa, Lãn Ông mới hay cái cảnh giàu sang của
bậc vương giả. Quanh co hơn một dặm, đâu đâu cũng là lâu đài, đình,
gác, cửa ngọc rèm châu long lanh chiếu xuống đáy nước, cao vút
tận trời xanh. Hai bên đường toàn là những hoa thơm cỏ lạ, những
loài thú quý, những con khướu hay, chim đẹp hót vang bay nhảy. Từ
dưới đất bằng nhô lên một ngọn núi cao. Cây cổ thụ toả bóng che
râm mát. Một cái cầu lan can bằng đá hoa bắc ngang qua dòng
nước uốn quanh. Lãn Ông vừa đi vừa ngắm:
- Thực không khác gì một cảnh tiên!
Ngày ba bữa, chúa Trịnh Sâm ban cho cơm ngự
chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ. Lãn Ông vẫn nhất định
không chịu ở trong phủ chúa để chầu chực hầu hạ thuốc thang, cứ
nằng nặc xin ra ở ngoài. Chánh đường Huy quận công
phục tài
Lãn Ông nên lấy lễ tiếp đãi rất hậu, lưu lại nghỉ trong dinh người
em và cử người phục dịch chu đáo. Lãn Ông nghĩ bụng: