Tháng Bảy mùa thu (1784), thuỷ quân Xiêm vào Kiến Giang. Ỷ
thế đông, quân Xiêm ùa lên bộ đánh tràn. Quân Tây Sơn phải lui
về Trấn Giang. Đô đốc Nguyễn Hoá đốc suất quân thuỷ bộ chia
nhau đi giữ các nơi hiểm yếu để cự địch. Chẳng bao lâu, năm vạn
quân Xiêm có quân của Ánh đi mở đường, đều hợp nhau về Trấn
Giang. Quân Tây Sơn chống giữ không nổi, lui vào thành cố thủ.
Đại binh giặc kéo đến dưới thành, chia quân bổ vây bốn mặt, chĩa
súng bắn lên. Đô đốc Hoá và quân Tây Sơn đều trổ hết tài thao
lược chiến đấu suốt ba ngày ba đêm. Sau thuốc đạn hết, đành
phải bỏ Trấn Giang về giữ doanh Long Hồ (Vĩnh Long). Chiêu
Tăng, Chiêu Sương thả quân vào thành giết bừa dân lành, vơ vét của
cải. Thừa thế, bọn Tăng, Sương sau đó chia quân đi đánh chiếm Ba
Xắc (Sóc Trăng), Sa Đéc (Vĩnh Long), Trà Ôn (Trà Vinh), Ba Lai
(Bến Tre) rồi hội cả lại ở Trà Tân (Mỹ Tho)
. Thế giặc mạnh
lắm. Mấy ngàn quân Tây Sơn ở Gia Định
do phò mã Trương
Văn Đa chỉ huy cuối cùng phải lui về giữ thành Mỹ Tho và Gia
Định để bảo toàn quân lực, chờ đại binh.
Quân Xiêm thắng luôn mấy trận thì ngày càng kiêu rông, đi đâu
cũng cướp của giết người thả sức. Dân Gia Định oán giận đến xương
tuỷ. Ánh rất lấy làm lo, ngửa mặt mà than:
- Muốn được nước phải được lòng dân. Trăm họ đều hờn oán,
nước lấy sao được!
Tin cấp báo từ Gia Định về Quy Nhơn, Nguyễn Huệ giận lắm,
họp tướng tá lại bảo:
- Ánh là kẻ đã chết. Bọn Xiêm tưởng có thể cứu sống được hắn,
mưu toan cướp đất Gia Định của ta. Lũ Tây dương
kia có đại bác
tàu đồng ta còn đánh cho tan xác. Không biết bọn Xiêm sắm sửa
được bao nhiêu binh mã, liệu có đủ sức đánh với ta một trận!