Chi Lăng thì chui tọt vào cửa ải phía bắc. Thăng cùng đội quân kị
cận vệ bám riết vượt qua cửa đó, lại băng qua núi Đầu Quỷ, núi
Phượng Hoàng đổ xuống thung lũng Chi Lăng, nhất định bắt
bằng được Trần Lựu. Đuổi gần đến núi Mã Yên, Thăng dẫn quân
kị phi ngựa qua cầu. Chẳng ngờ, cầu ấy bị quân ta ngầm cưa sẵn
nên giữa chừng cầu gãy, người và ngựa quân Thăng đều rơi xuống
ruộng lầy, không đi được. Phục binh của ta từ bốn phía đổ ra. Các
tướng Lê Sát, Lê Thị cưỡi voi chiến xông vào chém giết. Chớp mắt,
cả trăm quân kị của Thăng đều bỏ mạng. Liễu Thăng thúc ngựa cố
vượt qua đồng lầy. Vừa đến chân núi Mã Yên, quân ta từ trong
khe núi xông ra phóng lao đâm trúng. Liễu Thăng ngã gục xuống,
chết ngay. Cùng lúc ấy, các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Linh, Đinh
Liệt, Lê Lỗng, Phạm Văn Liễu cũng tung quân ra chặn giặc. Xác giặc
gối lên nhau trải khắp mấy dặm đường suốt từ núi Mã Yên đến
bắc cửa ải Chi Lăng. Đội quân tiên phong của giặc bị tan vỡ sạch;
một số thoát chết chạy tản vào rừng, lại bị các đội tuần đinh tuần
tráng do người làng Đồng Mỏ là Lý Huề cầm đầu, tìm bắt bằng
hết. Hôm ấy là ngày Hai Mươi tháng Chín năm Đinh Mùi (10 - 10
-1427).
Tin chủ tướng Liễu Thăng và hơn một vạn quân tiên phong bị
giết làm kinh động cả chín vạn quân cứu viện đi sau. Phó tổng binh
Bảo Định Bá Lương Minh lên thay, vội vã ra lệnh đóng quân để trấn
an tinh thần, chấn chỉnh đội ngũ.
Ngày hăm lăm tháng chín, bọn Lương Minh liều chết xua quân
đánh tràn vào ải Chi Lăng. Dè đâu, quân Nam đã biến hết. Minh
vừa mừng thầm vừa nghi hoặc nên dè dặt tiến quân. Qua được
hiểm ải bậc nhất ấy, mà không phải đổ máu, bọn Lương Minh bụng
đã hơi yên, cho là quân Nam thấy đất hiểm đặt phục binh đã lộ nên
phải lui về xuôi, đắp thành cao cự chiến. Chẳng ngờ, đến Cần
Trạm, ba vạn quân của các tướng Lê Lý, Lê Văn An đổ ra, hợp với