Bấy giờ, ở Bồ Đề, tin thắng trận bay về, quân tướng đều vỗ
tay nhảy nhót, hăm hở nói với Lê Lợi:
- Bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc vừa thoát hoạ đắm thuyền, tướng sĩ
còn khiếp sợ chưa hết đổ mồ hôi. Xin cho đánh gấp để tuyệt
nguồn hi vọng của giặc ở Đông Quan.
Nguyễn Trãi can:
- Chưa nên. Người xưa nói: chim cùng thì mổ, thú cùng thì cắn.
Huống chi giặc ở Xương Giang còn tới sáu, bảy vạn quân, càng
không thể khinh suất đánh tràn. Vả lại lưới dăng chưa kĩ sao có thể
bắt hết được cá. Bởi thế, trước hãy điều binh giữ chặt các nơi
hiểm yếu không cho giặc các thành ứng cứu lẫn nhau, sau đưa quân
tinh nhuệ các đạo cùng về, tướng sĩ kén người hùm gấu, chiến khí
chọn đồ tinh xảo, ngày đêm bốn mặt vây thành, hãm giặc vào chỗ
trí cùng lực kiệt. Bấy giờ chỉ một trận là xong. Xin hẹn đến giữa
tháng Mười thì đánh.
Lê Lợi khen phải, bèn truyền cho các cánh quân của Lê Sát, Lưu
Nhân Chú và Lê Lý, Lê Văn An kíp tiến xuống vây chặt hai hướng
Đông, Bắc; quân thuỷ thì theo sông Thương tiến gấp lên sông
Xương Giang chẹn hướng Tây Nam; lại điều các tướng Nguyễn Xí,
Lê Khôi, Phạm Vấn, Trương Lôi đem ba ngàn quân Thiết đột và
bốn voi chiến lên thành Xương Giang hợp với Trần Nguyên Hãn
sẵn sàng đổ ra cùng đánh. Vòng vây siết chặt, quân đông chật sông
chật đồng.
Bọn Thôi Tụ biết thế nguy, nhân nhận được thư chiêu dụ của Lê
Lợi do quân sư Nguyễn Trãi gửi đến mới bàn nhau:
- Bọn ta đóng đồn ở đây chẳng khác gì neo thuyền chơi vơi giữa
biển cả, hoạ đắm chìm tất khó lòng tránh khỏi. Nay nên giả cách
hoà, nhận lui về Long Châu, Bằng Tường như Lợi nói, khiến bọn