- Lúc nào cũng nên ngắm nhìn biển. Đó là một tấm gương không bao giờ
biết dối trá. Ta đã học được cách không nhìn lại phía sau mình như thế đấy.
Trước đây, mỗi khi quay đầu nhìn lại, ta lại thấy những u sầu và những hồn
ma trong ta còn nguyên vẹn. Chúng ngăn cản ta lấy lại niềm vui thú với
cuộc sống, cháu hiểu không? Chúng hủy hoại những cơ may hồi sinh từ tàn
tro của ta...
Cụ nhặt một viên đá cuội, lơ đãng lắc lắc nó.
Giọng cụ lạc đi khi cụ nói thêm:
- Bởi lý do đó mà đến lúc sắp hết đời ta đã chọn được chết trong ngôi
nhà của mình bên bờ nước... Người nào ngắm biển sẽ quay lưng lại với mọi
nỗi bất hạnh ở đời. Xét trên khía cạnh nào đó, điều này cũng có lý.
Cánh tay cụ tạo thành hình vòng cung khi cụ liệng viên đá cuội trên
sóng.
- Ta đã dành phần lớn cuộc đời mình để theo đuổi những nỗi đau xa xưa,
- cụ kể. - Đối với ta, chẳng có gì ý nghĩa bằng một sự tĩnh tâm hay một sự
tưởng nhớ. Ta tin rằng mình sống sót khỏi thảm họa Shoah chỉ để nuôi giữ
kỷ niệm. Ta chỉ để tâm đến những bia đá tưởng nhớ những người đã khuất.
Ngay khi biết ở đâu có khánh thành một bia đá, là ta nhảy ngay lên một
chiếc máy bay để được là người đầu tiên đến chứng kiến. Ta đăng ký tham
dự tất cả các cuộc hội thảo liên quan đến diệt chủng Do Thái và đi khắp nơi
trên thế giới để kể lại những gì dân tộc ta đã phải chịu đựng trong các trại
tập trung, giữa những phòng khí ga và những lò thiêu... Nhưng ta đâu có
chứng kiến gì nhiều trong thảm họa Holocauste
. Hồi đó ta mới bốn tuổi.
Đôi khi ta tự hỏi phải chăng một vài trong số những hồi ức của ta là hậu
quả của những thương tổn tâm lý xảy ra rất lâu sau chiến tranh, trong
những căn phòng tối nơi chiếu những thước phim tư liệu về tội ác của bọn
phát xít.