Tôi đến giảng đường nơi Marianne dạy triết học - ngạc nhiên thay, đây là
một tòa nhà biệt lập nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Đại học Genève.
Tôi bèn bắt đầu thắc mắc: lớp học danh giá này, vốn xuất hiện trong lý lịch
của cô ta, phải chăng chỉ là một môn học ngoại khóa, tuyệt đối không có
giá trị học thuật?
Sau khi đỗ xe gần một siêu thị, tôi đi bộ chừng một cây số để đến đó,
một loạt những tòa nhà thấp tầng nằm giữa một cánh đồng xanh tuyệt đẹp,
ở giữa có cái hồ nhỏ và những mũi tên chỉ đường chĩa ra tứ phía. Đằng kia
là những cơ sở, dường như tách biệt, và mang tính phụ trợ nếu ta ngẫm cho
kỹ: viện lão khoa và nhà thương điên. Bệnh viện tâm thần là một tòa nhà
đẹp được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, nơi đây đã đào tạo các bác sĩ tâm
thần, y tá, nhà tâm lý học, và nhà trị liệu tâm lý đến từ khắp châu Âu.
Tôi đi ngang qua trước một thứ gì đó lạ lùng, trông như các cọc tiêu mà
người ta thường thấy ở cuối đường băng trong sân bay. Tôi phải đọc bảng
chỉ dẫn bên cạnh để hiểu xem nó là cái gì. Đó là một bức điêu khắc có tên
Passage 2000, một “khúc nhạc thị giác” gồm mười thanh chắn đường ở các
độ cao khác nhau, tất cả đều gắn đèn đỏ. Tôi tự hỏi người làm ra thứ này có
phải là bệnh nhân không, rồi tôi cũng hiểu ra khi đọc được rằng đó là tác
phẩm của một nữ điêu khắc gia nổi tiếng. Hãy trân trọng nghệ thuật, nhưng
đừng có bảo tôi, các nghệ sĩ là bình thường.
Lúc này đang là giờ ăn trưa - khoảng thời gian rảnh rỗi duy nhất trong
ngày của tôi, và dường như là thời điểm diễn ra những điều thú vị nhất
trong đời tôi - những cuộc gặp gỡ với bạn bè, các chính trị gia, nguồn tin,
và những tay bán lẻ ma túy.
Các phòng học hẳn đang vắng tanh vắng ngắt. Tôi không thể vào căng
tin đại học được, nơi Marianne - hay König phu nhân - có lẽ đang hất mái
tóc vàng sang một bên bằng một động tác chán nản trong khi mấy cậu sinh
viên tưởng tượng làm sao có thể quyến rũ được một phụ nữ thú vị như vậy,
còn các nữ sinh viên thì nhìn cô ta như thể đó là hình mẫu của sự thanh
lịch, thông minh và biết ứng xử.