Chương 11
Tất cả chúng ta đều thế này ư? tôi hỏi chồng sau khi lũ trẻ đã đi ngủ, và
chúng tôi cũng đã sẵn sàng lên giường.
“Thế nào cơ?”
Như em, không cảm thấy tuyệt vời cũng chẳng thấy kinh khủng.
“Anh nghĩ vậy. Chúng ta luôn tập tự kiểm soát, cố giữ cho con quái vật
đừng xông ra khỏi chỗ ấn nấp.”
Đúng vậy.
“Chúng ta không phải là người như chúng ta muốn. Chúng ta là kết quả
đòi hỏi của xã hội. Chúng ta là kết quả do cha mẹ ta đã lựa chọn. Chúng ta
không muốn làm người khác thất vọng; chúng ta có nhu cầu lớn lao là được
yêu thương. Nên chúng ta xóa bỏ những gì tốt đẹp nhất trong bản thân. Dần
dà, thứ từng là ánh sáng của những giấc mơ biến thành con quái vật trong
những cơn ác mộng. Đó là những điều dang dở, những khả năng không
thành hiện thực.”
Theo như em hiểu, tâm lý học từng gọi đó là “tâm lý sợ trầm cảm”, còn
giờ, để cho ý tứ hơn, người ta gọi là “rối loạn lưỡng cực”. Người ta lôi ở
đâu ra được cái danh từ đó nhỉ? Có sự khác biệt nào giữa cực Bắc với cực
Nam không? Dẫu sao chăng nữa, chắc hẳn chỉ có một số ít người mắc phải
chứng bệnh này...
“Dĩ nhiên những người có biểu hiện rối loạn lưỡng cực chỉ là thiểu số.
Nhưng anh cá rằng gần như ai cũng có con quái vật ấy trong bản thân
mình.”