Đấy có phải là điều người ta muốn trong đời không? Thật thế sao? Thế
giới này có gì đó không ổn, và cái không ổn ấy không chỉ là việc chiến
tranh đang xảy ra ở châu Á hay Trung Đông.
Trước khi đến tòa soạn, tôi phải phỏng vấn Jacob, bạn trai cũ của tôi thời
trung học. Ngay cả điều đó cũng không làm tôi vui lên. Tôi thực sự đang
mất đi niềm hứng thú trong tất thảy mọi việc.
* * *
Tôi lắng nghe những thông tin về chính sách của chính phủ mà tôi thậm
chí còn không muốn biết. Tôi hỏi mấy câu hóc hiểm, nhưng anh ta khéo léo
lẩn tránh. Anh ta kém tôi một tuổi, tức là mới ba mươi, nhưng trông như đã
ba lăm. Tôi giữ kín ý nghĩ ấy.
Dĩ nhiên, thật hay vì gặp lại anh ta, ngay cả khi cho tới lúc này anh ta
vẫn chưa hỏi tôi sống thế nào kể từ khi con đường của chúng tôi chia đôi
sau ngày tốt nghiệp. Anh ta tập trung hoàn toàn vào bản thân, sự nghiệp và
tương lai, trong khi tôi thấy mình cứ nhìn chằm chặp vào quá khứ một cách
ngớ ngẩn, như thể tôi vẫn là một con bé, dù có bị niềng răng thì vẫn là đối
tượng ghen tị của những cô bé khác.
Một lát sau, tôi thôi lắng nghe và bắt đầu hỏi những câu quen thuộc. Vẫn
luôn là kịch bản ấy, những lời hứa hẹn ấy - giảm thuế, phòng chống tội
phạm, hạn chế người Pháp (gọi là lao động xuyên quốc gia, họ đang làm
những công việc vốn phải thuộc về người Thụy Sĩ). Năm này qua năm
khác, những vấn nạn đó vẫn còn tồn tại, và các khó khăn vẫn không được
giải quyết bởi không ai thực sự quan tâm.
Sau hai mươi phút trò chuyện, tôi bắt đầu tự hỏi liệu việc thiếu hứng thú
đến mức này có phải là hậu quả của tình trạng kỳ lạ đang diễn ra trong đầu
óc tôi không. Không. Chẳng có gì tẻ nhạt cho bằng phỏng vấn các chính trị
gia. Sẽ tốt hơn nếu tôi được cử đi lấy tin một vụ án nào đó. Những kẻ giết
người chân thực hơn nhiều.