So với những người đại diện nhân dân khắp nơi trên hành tinh, các vị
dân biểu của chúng tôi kém thú vị nhất và nhạt nhẽo nhất. Không ai muốn
biết về đời sống riêng của họ. Ở đây chỉ có hai thứ tạo nên bê bối: tham
nhũng và ma túy. Nên nó chiếm một tỉ lệ lớn khủng khiếp và phủ kín các
trang bìa, vì báo chí tuyệt đối chẳng còn chuyện gì khác thú vị.
Có ai quan tâm chuyện họ có nhân tình không, hay đi nhà thổ, hay công
khai mình là người đồng tính không? Không. Họ tiếp tục làm điều mà họ
được bầu ra để làm, miễn là họ không phí phạm ngân sách quốc gia, thì tất
cả chúng tôi vẫn sống yên bình.
Ghế tổng thống thay đổi hàng năm (vâng, hằng năm) và không phải do
người dân lựa chọn, mà bởi Hội đồng Liên bang, một cơ quan gồm bảy vị
bộ trưởng, hoạt động như là nguyên thủ quốc gia tập thể của Thụy Sĩ. Mỗi
lần đi qua Bảo tàng Nghệ thuật và lịch sử, tôi thấy vô số áp phích kêu gọi
bỏ phiếu toàn dân.
Dân Thụy Sĩ thích ra quyết định - màu sắc túi đựng rác của chúng tôi
(màu đen giành phần thắng), quyền mang vũ khí (đa số áp đảo tán thành
quyền này, Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có tỉ lệ sở hữu súng cao
nhất thế giới), số lượng nhà thờ Hồi giáo có thể xây dựng trên đất nước này
(bốn), và quyền tị nạn đối với những người di cư (tôi chưa cập nhật vấn đề
này, nhưng tôi đồ rằng luật đã được thông qua và có hiệu lực).
“Xin lỗi, thưa ông.”
Trước đó cuộc trao đổi của chúng tôi bị gián đoạn một lần rồi. Anh ta
lịch sự yêu cầu trợ lý hoãn cuộc hẹn tiếp theo. Báo chúng tôi là tờ quan
trọng nhất trong cộng đồng nói tiếng Pháp ở Thụy Sĩ, và cuộc phỏng vấn
này có thể rất quan trọng cho cuộc bầu cử sắp tới.
Anh ta vờ thuyết phục tôi, còn tôi vờ tin anh ta.
Nhưng tôi đã thỏa nguyện rồi. Tôi đứng dậy, cảm ơn anh ta, và bảo rằng
tôi đã có đủ tư liệu mình cần.
“Em không cần gì khác nữa ư?”
Dĩ nhiên là có, nhưng tôi không có trách nhiệm phải nói với anh ta.