những thứ tôi vẫn thường ngắm nhìn trên đường đến chỗ làm. Genève
dường như không thay đổi gì kể từ khi tôi còn bé: những căn nhà kiểu lãnh
địa cổ kính nằm xen giữa những tòa nhà được xây dựng từ ý tưởng của một
ông thị trưởng điên rồ nào đó đã phát minh ra “kiến trúc mới” vào những
năm 1950.
Mỗi lần đi du lịch, tôi lại thấy nhớ quang cảnh này. Gu thẩm mỹ kém
phát sợ, thiếu vắng các tòa cao ốc thép-và-kính, thiếu các đường cao tốc,
đám rễ cây nhấp nhô trên hè đường bê tông khiến người đi đường chốc
chốc lại vấp chân, những công viên với hàng rào gỗ bí hiểm bên trong có
đủ loại cỏ mọc, bởi vì “thế mới tự nhiên”. Tóm lại, một thành phố khác với
tất cả những thành phố khác đã được hiện đại hóa và mất đi vẻ quyến rũ
của chúng.
Ở đây, chúng tôi vẫn nói “Xin chào” mỗi khi gặp người lạ trên phố và
“Hẹn gặp lại” lúc ra khỏi cửa hiệu sau khi mua một chai nước khoáng, ngay
cả khi chúng tôi không có ý định quay lại đó. Chúng tôi vẫn trò chuyện với
người lạ trên xe buýt, ngay cả khi phần còn lại của thế giới nghĩ rằng người
Thụy Sĩ dè dặt và kín đáo.
Họ thật sai lầm! Những người khác nghĩ về chúng tôi như vậy cũng hay,
bởi như thế chúng tôi có thể bảo tồn được lối sống của mình trong năm hay
sáu thế kỷ tới, trước khi lũ người man di của họ vượt qua dãy Alpes cùng
những thiết bị điện tử tuyệt vời; căn hộ với những phòng ngủ bé tí và
phòng khách lớn để gây ấn tượng cho khách khứa; những người phụ nữ
trang điểm quá đậm; những người đàn ông nói rất to và khiến hàng xóm
bực mình; và những thiếu niên ăn mặc nổi loạn, nhưng ngấm ngầm kinh sợ
điều mà bố mẹ chúng nghĩ trong đầu.
Cứ để họ tin rằng chúng tôi chỉ làm ra pho mát, sô cô la, sữa bò và những
chiếc đồng hồ. Cứ để họ tin rằng ở mỗi góc phố Genève đều có ngân hàng.
Chúng tôi không định thay đổi hình ảnh đó. Chúng tôi hạnh phúc khi không
có những cuộc xâm lăng của lũ người man di. Chúng tôi đều được vũ trang
tận răng (vì nghĩa vụ quân sự là bắt buộc, người Thụy Sĩ nào cũng đều có