Một năm của bọn chúng có tới sáu mùa: Mùa giấy kính, mùa nắp
keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá, mùa thả diều, mùa chong chóng.
Mùa giấy kính thường trùng với mùa xuân. Những ngày tết bọn trẻ
con trong làng được ăn mứt, hạt dưa, bánh thuẫn, bánh in… Bánh in hình
vuông, gói bằng giấy kính màu. Màu xanh, màu đỏ, màu cam, màu vàng,
màu nõn chuối… Ăn xong, bọn trẻ giữ lại tờ giấy kính, chốc chốc đưa lên
mắt để nhìn cảnh vật khi thì màu hồng lúc thì màu xanh để sung sướng tận
hưởng cảm giác mới lạ.
Lúc còn ở làng, tôi đã bao nhiêu lần áp tờ giấy kính màu vào mắt, rồi
ngoẹo cổ quay đầu nhìn bốn phía, thích thú khi thấy mái nhà màu vàng, con
gà màu vàng, con chó màu vàng, con mèo màu vàng, cây me trước ngõ nhà
chú Thảo cũng màu vàng.
Một lát, tôi thay tờ giấy kính xanh để lâng lâng thấy mái nhà màu
xanh, con gà màu xanh, con chó màu xanh, con mèo màu xanh, cây me
trước ngõ nhà chú Thảo cũng màu xanh.
Trong thời gian đó, đứa nào có nhiều giấy kính nhất là đứa giàu nhất
làng. Một tờ giấy kính có thể đổi được năm mươi cọng dây thun đeo tay.
Hai tờ giấy kính đổi được mười viên bi, hoặc có thể thuê bạn bè chép bài
giùm suốt buổi học.
Những ngày xuân trôi mau kéo theo mùa giấy kính. Qua tháng tư,
những tờ giấy gói bánh thẳng thớm ngày nào đã không còn trong suốt.
Chúng nhàu rách theo thời gian và theo sự giày vò của bọn trẻ, không còn
dùng để nhìn đời được nữa.
Bánh in thì các tiệm tạp hóa vẫn bán quanh năm nhưng trẻ con không
có tiền mua. Những ngày tết rủng rỉnh tiền lì xì đã qua mất rồi!
Và khi những tờ giấy kính giống như những tờ giấy bạc sờn cũ không
còn xài được nữa thì mùa nắp keng bắt đầu. Giống như khi hoa mai rụng