NGÔI NHÀ CỦA NGƯỜI CÁ SAY NGỦ - Trang 125

May mắn thay, một tháng đủ để mọi người quen dần với công việc chăm sóc
đứa trẻ. Giờ cô có thể giao cho bà Chizuko công việc chăm sóc con bé mỗi
lúc vắng nhà. Chuyện tự ý đưa con bé đi như hôm nay chắc cũng do bà thấy
thoải mái hơn nhiều.

Hơn nữa, một số thay đổi lớn đã khuyến khích mọi người. Đó chính là việc
cơ thể Mizuho thường xuyên cử động hơn. Chuyện này thì từ hồi trong viện
đã xảy ra vài lần nhưng kể từ khi đưa con bé về nhà chăm sóc, mọi chuyện
xảy ra thường xuyên hơn hẳn. Cả bà Chizuko cũng cảm thấy điều này.

Chưa kể, họ không cho rằng đấy chỉ là cử động đơn thuần. Như lúc nãy vậy,
có cảm giác như con bé muốn ngăn cuộc hội thoại lại, cũng hay thể hiện
cảm cảm xúc vui vẻ hay phẫn nộ hơn. Tuy cô cứ nhắc mình là do bản thân
tự tưởng tượng ra thôi nhưng có những lúc không thể nào dặn lòng thế được.
Gì thì gì, có những lúc con bé phản ứng lại tiếng gọi của người trong nhà
mà.

Khi đem chuyện này đi hỏi bác sĩ ngoại khoa thần kinh Shindou, ông chẳng
có phản ứng gì nhiều. “Do chăm sóc con bé tại nhà nên mọi người thấy hiện
tượng kiểu này của Mizuho nhiều hơn thôi.”

Đúng, bác sĩ đã dùng từ “hiện tượng”. Đây chỉ đơn giản là phản ứng từ tủy
sống mà thôi. Không phải điều gì quá kỳ lạ.

“Trước khi con bé xuất viện, chúng tôi đã kiểm tra chụp cắt lớp CT nhưng
tiếc là chưa thấy bất cứ dấu hiệu phục hồi não nào. Tình trạng của Mizuho
vẫn như thế.”

Vậy thì, bác sĩ Shindou cho rằng, nếu đúng là con bé có nhiều phản xạ vận
động hơn, có thể do ảnh hưởng của AIBS chăng.

“Nhằm kích thích cơ quan hô hấp vận động, cỗ máy này đã truyền một xung
điện yếu lên hệ thần kinh, có thể những xung đỉện đó đã tạo kích thích gì đó
lên tủy sống, có khả năng cao là nó có liên hệ gì đó đến chuyện tay chân cô
bé cử động.”

Ông cho rằng chuyện con bé có phản xạ khi ai đó gọi chỉ là điều ngẫu nhiên.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.