biệt dành cho các bạn trẻ. Văn minh, lịch sự, thoải mải. Giá cả phải chăng".
Ha, ha... Quảng cáo như thế, được không?
Tôi hơi khó chịu vì cái sự đùa cợt không phải lối của Nghĩa. Nhưng rồi
tôi nhận ra mình lầm. Nghĩa không đùa cợt chút nào. Đúng là những đôi
trai gái đang lũ lượt kéo nhau vào nghĩa trang. Cái cổng sắt nặng nề, rộng
vừa một chiếc xe Hải Âu đi, mọi khi vẫn đóng im ỉm, giờ bỗng mở hết cỡ
để đón khách. Và, ngay phía trong cánh cổng sắt, trước khu nhà thường
trực là cả một bãi để xe, đủ loại từ xe đạp đến Batetta, kích, cúp... Rồi cả
một quán giải khát với bia, cà phê, nước ngọt, thuốc lá.
- Hóa ra bọn thằng Ân nó làm dịch vụ công viên thật hả anh? - Tôi hỏi
Nghĩa.
- Chú tưởng tôi đùa? Nhà báo mà quan liêu thì vứt. Tôi đề nghị nhân dịp
này chú làm một cái phóng... gì nhỉ. Không cần phải phóng đại, chỉ cần
phóng ra sự thật. - Nghĩ thế nào, Nghĩa chợt nắm tay tôi, giọng nghiêm
trang lại - Mà đùa thế thôi. Chú cứ để yên cho bọn thằng Ân nó làm ăn.
Rùm beng lên, thành phố họ biết, họ xì tốp thì đúng là số bốc mả.
Nhác trông thấy tôi, thằng Ân đã ào ra đón. Mới mười chín tuổi mà nó
già quá. Râu ngạnh trê, răng vàng xỉn khói thuốc, mắt, miệng cười toàn
những ngoặc đơn ngoặc kép.
- Bố với chú uống bia lon nhé. - Ân kéo ghế mời chúng tôi rồi đưa tay ra
hiệu. Lập tức một cô gái trẻ ôm ra sáu hộp Heniken.
- Làm công tác nghĩa trang có phấn khởi không? - Tôi vỗ vai Ân, hỏi.
- Báo cáo chú, cũng tạm được.
- Tạm được là thế nào? Nghe nói thu nhập khá lắm phải không?
- Dạ... Có bia lon mời chú thế này, chắc là cũng không đến nỗi yếu.
- Nhưng sao không bán vé? Ở các công viên người ta đều có bán vé vào
cửa.