những bài thơ chảy từ một nguồn cảm xúc và chỉ để viết cho một người -
Thúy.
Hưng đâu ngờ rằng bệnh mơ mộng và cái máu chủ quan của những
chàng thi sĩ tỉnh lẻ mới tập tọng làm thơ, đã hại anh. Trong khi Hưng "đóng
cửa phòng văn hì hục viết" thì Việt đã thực sự "cày xới" trên cánh đồng ái
tình. Mẹ Thịnh ốm, Việt đã lặn lội từ nơi sơ tán, cùng Thịnh về cáng bà đi
bệnh viện. Nhà Thịnh dột, Việt về quê, xin ông chú chủ tịch huyện giấy
phân phối mua một cuộn giấy dầu, đèo lên, cùng Thịnh lợp lại mái nhà.
Đến thăm Thúy ở nơi sơ tán, khi nào Việt cũng mang theo, hoặc là chùm bồ
kết, hoặc là bánh xà phòng, chiếc khăn tay... Thế nên, những bài thơ của
Hưng trở thành một thứ xa xỉ, mơ mộng hão, chẳng thiết cốt với ai, nhất là
vào thời điểm chiến tranh ấy.
Rồi lệnh tổng động viên toàn diện. Ấy là năm 1972. Cả Hưng, Việt,
Thịnh đều ra chiến trường.
Đau đớn nhất cho Hưng là cái buổi chia tay Thúy để ra mặt trận. Hưng
mang đến tặng nàng tập thơ chép tay ba mươi bài đã được anh chăm chút,
nâng niu từng chữ. Nàng đón lấy tập thơ, run run mở ra. Bỗng mặt nàng tái
dần, vội đưa trả lại Hưng, và bảo:
- Không. Em không dám nhận cái này đâu. Nó như một thứ bùa mê ấy.
Em sợ lắm.
Chao ôi, ước gì lúc ấy nhà thơ có tài độn thổ để chui xuống đất cho rồi.
Giá Thúy đừng nói ra điều ấy! Đúng Hưng rắp tâm tặng Thúy thứ bùa ngải,
những lời phù chú của tình yêu. Không đón nhận thì hãy im lặng trân trọng
nó chứ ai lại đốp chát vào mặt nhau như thế. Vết thương ấy mãi sau nhiều
năm ở chiến trường khiến Hưng không hề viết cho Thúy lá thư nào. Cho
đến khi biết tin Thịnh hy sinh, Hưng tìm đến nhà Thúy, thì đã thấy Việt, với
tư cách ông chủ gia đình, đón Hưng với bộ mặt vừa đau khổ, vừa ngầm một
vẻ vênh váo của một kẻ thắng cuộc.
- Mày mắc hai tội nặng - Không đợi Hưng châm xong nén nhang, Việt đã
xơi xơi - Đã nhận ra tội gì chưa? Một tội với bạn, một tội với em gái bạn.