- Nhưng mà ông được tự do, sướng - Tôi nói - muốn viết gì thì viết,
muốn đi đâu thì đi...
- Không thể có một thứ tự do nào khi trong túi của anh rỗng tuếch - Mắt
Nguyễn chợt hoe đỏ và giọng anh tắc lại - Tao ngu nên mới bỏ về hưu một
cục. Hai triệu hồi ấy tưởng là to lắm, hóa ra tiêu vèo trong ba tháng là hết.
Con vợ tao từ ngày chồng về vườn, đâm dở chứng. Mấy lần nó viết đơn đòi
li dị...
- Thật thế ư? - Tôi sửng sốt.
- Nhục lắm, tao đã phải lên hầu tòa hai lần rồi. Mày bảo nó có muốn điên
không khi mấy đứa mặt búng ra sữa, vừa tốt nghiệp trường luật, đóng vai
thẩm phán để hỏi cung mình. Nghĩ thương mấy đứa con mà phải cắn răng
nhờ các ông bà thẩm phán dàn hòa cho nó yên chuyện.
- Viết khoẻ như cậu, mỗi tháng làm gì chẳng kiếm được một, hai triệu
bạc? Kiếm ra tiền, tự khắc sẽ chữa được chứng điên của vợ...
- Đã bảo rồi, nhưng đấy là kiểu ăn đong, buông bút là hết tiền. Ngày xưa
ông Vũ Trọng Phụng chẳng ho lao thối phổi vì viết đấy sao? Với lại cái
nghề viết không húp cháo cả cặn được ông ạ. Lĩnh được năm đồng thì cũng
phải chi ra hai đồng, lần sau người ta mới lại đăng cho mình. Ông đọc Nam
Cao thì biết. Lĩnh cái nhuận bút, gặp mấy thằng bạn là vèo ngay. Mà đã là
thằng viết, lĩnh nhuận bút rồi mà lại đi chui lủi trốn tránh bạn bè thì còn có
ra cái giống người.
Chưa bao giờ tôi thấy Nguyễn than phiền. Thổ lộ với tôi thế này nghĩa là
cảnh ngộ của anh đã bức bí lắm. Phải tìm cách giúp vợ con Nguyễn vượt
qua thời điểm cam go này. Tôi lặng lẽ đến gặp ông anh họ làm tổng biên
tập một tờ báo kinh tế, thuyết phục anh cho Nguyễn nhận một chân hợp
đồng.
* *
Có thể ví những trang báo như những mảnh ruộng trên đồng, như những
sạp hàng ngoài chợ. Anh gieo gì sẽ gặt nấy, bày bán thứ hàng gì sẽ tự khắc