có khách đến mua, đến bán cho anh thứ hàng nấy... Tờ báo Tiếp thị của anh
tôi, vào thời kinh tế thị trường, bỗng trở thành một tờ báo siêu hạng, độc
giả tăng lên vùn vụt.
Đặng Trần Nguyễn vừa đến nhận hợp đồng đã có sáng kiến khai trương
một chuyên mục mới: Phiếm đàm ngoài chợ. Bằng giọng văn tưng tửng,
lúc cợt nhả châm chọc, khi móc máy chua cay, Nguyễn "phiếm đàm" đủ
các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khi thì phiếm chỉ một cơ quan A, khi thì chỉ
đích danh một công ty chi-cho-mex X. Độc giả, những người ngoài cuộc,
đọc một cách khoái trá. Những ai có tật, đọc cứ thon thót giật mình. Rồi
Nguyễn tiếp tục trở lại thế mạnh của anh: những phóng sự về kinh tế, xã
hội. Mở tờ Tiếp thị, bạn đọc tìm ngay bài của Đặng Trần Nguyễn, xài ngốn
ngấu, như người đang khát tu một hơi vại bia ướp lạnh. Tên tuổi Nguyễn
lại rộ lên. Anh như một siêu sao trên sân cỏ làng báo.
Gặp Nguyễn, tôi bảo:
- Thiên hạ đồn ầm lên rằng hồi này ông rất giàu...
Nguyễn cười phá, kéo tôi ra ngoài quán bia.
- Cũng khơ khớ hơn hồi viết báo tự do. Một năm về tờ Tiếp thị, tao sang
tên được con Dream II của thằng Trần Lập. Nó mới chạy hai vạn cây, để rẻ
cho tao mười sáu vé. Mấy tháng trước đi viết phóng sự, cưỡi cái xe phượng
hoàng tàng, mất thớ quá mày ạ.
- Tôi mừng cho ông - Tôi gật gù - Hóa ra họ đồn cũng đúng.
- Đồn thế nào?
- Rằng cán bộ phóng viên báo Tiếp thị bình quân mỗi tháng hai vé.
Riêng ông thì gấp đôi.
- Hớ hớ... Phao tin đồn nhảm. Giảm sự điêu toa đi một nửa thì đúng sự
thật. Nói thật với mày, cộng tất tần tật mọi khoản, mỗi tháng tao kiếm được
2,5 triệu, nộp cho Sư tử cái Hà Đông hai triệu, còn lại xăng xe, thuốc thang,
bia bọt.