thằng Họp, tao không thể sống thanh thản được". Và Nghĩa đã làm đúng
theo những điều anh nghĩ. Anh đã bỏ ra hai đợt phép năm để về lại chiến
trường miền tây Khe Sanh ấy. Vào đợt nghỉ phép thứ ba, Nghĩa về làng
Họp. Vợ Họp lúc ấy vẫn chưa tái giá. Chị sống với đứa con gái mười hai
tuổi, âm thầm và cô đơn, tưởng chừng như tuổi xuân của chị đã để lại xa
lắc ngày xưa rồi.
Vào một ngày hanh heo, Nghĩa và Mận, vợ Họp, bỗng sánh vai nhau lên
chuyến tàu Thống Nhất vào Đông Hà, Quảng Trị. Họ mang theo một chiếc
va ly da mới nguyên. Trông họ, ai cũng nghĩ rằng đó là một cặp vợ chồng
đi nghỉ phép, hoặc đi du lịch.
Hai người thuê xe lam đi ngược đường Chín. Rồi họ lặn lội xuyên rừng
lên tít thượng nguồn sông A Sầu, đến một bản người Vân Kiều. Nơi đây là
một khúc ngoặt của sông A Sầu. Trên đó, khoảng bốn cây số là điểm diễn
ra cuộc vượt sông của đơn vị Nghĩa hơn mười năm trước. Thì ra xác Họp
đã trôi suốt từ trên đó về đây. Những người dân Vân Kiều đã chôn anh ngay
nơi mà họ đã phát hiện ra xác anh dạt vào.
Chiếc va ly da mới chính là cái hộp đựng hài cốt của Họp. Họ thay nhau
ôm chiếc va ly như một bảo vật. Và cũng chính vì cái hành động có vẻ khả
nghi ấy mà họ đã bị theo dõi ngay từ lúc vừa bước chân lên tàu ở ga Đông
Hà. Cho tới lúc tàu dừng ở ga Thượng Lý, thì đội công an kinh tế và thuế
vụ xuất hiện.
- Đề nghị anh chị cho kiểm tra chiếc va ly này. - Ánh mắt của đồng chí
công an nhìn xoáy vào Nghĩa và Mận.
- Không có gì đâu các đồng chí ạ. Đây là một va ly tư trang - Nghĩa nói.
- Tư trang cũng đề nghị mở ra. Chúng tôi đề nghị anh chị hãy chấp
hành...
Mặt Nghĩa nóng bừng. Hai mắt anh đỏ đọc như hai hòn than. Còn Mận
thì như đu lấy người anh mà kéo xuống.