được dành cho cậu bé. Cha cho rằng người ta thường giết người họ thương
yêu hơn là người họ ghét. Có thể chỉ vì người con thương yêu khiến cho
cuộc sống không thể chịu đựng nổi với con.”
“Nhưng tất cả những điều đó không giúp ích gì nhiều cho con, phải
không?” cha tôi tiếp tục. “Điều con muốn, nếu cha đoán không lầm, là biểu
hiện, dấu hiệu phổ quát nào đó sẽ giúp con tìm ra kẻ giết người từ một ngôi
nhà có vẻ bình thường và những con người thú vị?”
“Vâng, đúng vậy.”
“Cha tự hỏi, có mẫu số chung không? Con biết đó,” cha tôi dừng lời, suy
nghĩ, “mẫu số chung nếu có, theo cha đó là sự tự phụ.”
“Tự phụ?”
“Đúng, cha chưa hề gặp một tên giết người nào không là kẻ tự phụ…
Chính sự tự phụ đã đưa đến sự tệ hại, mười lần hết chín. Họ có thể sợ bị bắt,
nhưng không đừng được vênh váo và khoe khoang và luôn tin chắc mình
quá khôn ngoan không thể nào bị bắt.” Ông nói thêm: “Và có một chuyện
khác, đó là kẻ giết người muốn thổ lộ.”
“Muốn thổ lộ?”
“Đúng, con nên biết, phạm tội giết người đặt con vào sự cô đơn cùng cực.
Con muốn cho một ai đó biết tất cả mọi chuyện – nhưng con không thể.
Điều đó càng làm cho con muốn hơn. Và như vậy – nếu con không thể nói
về chuyện con đã làm, con có thể, ít ra là, nói về việc giết người – tranh cãi,
đặt giả thuyết – lật đi lật lại. Nếu cha là con, Charles à, cha sẽ nhìn xa hơn.
Con hãy đến đó lần nữa, làm thân với họ, và gợi cho họ nói. Dĩ nhiên đó
không phải việc dễ dàng. Tội lỗi hay ngây thơ, họ đều thích có dịp để nói
với một người lạ vì họ có thể nói với con nhiều điều họ không thể nói với
nhau. Nhưng cha nghĩ, có thể, con sẽ phát hiện sự bất đồng. Một kẻ có điều
gì cần giấu có thể không nói tất cả. Cơ quan tình báo trong chiến tranh biết
vậy. Nếu con bị địch bắt, con chỉ cho địch biết tên họ, cấp bậc, số quân,
ngoài ra không gì nữa. Kẻ cố cho thông tin giả gần như lúc nào cũng có sơ
suất. Charles, hãy để cho người trong nhà đó nói, và phát hiện sơ suất hay
một tia chớp của sự lộ tẩy.”