chỉ đâu chúng đi đó, cậu bảo gì chúng làm nấy. Khi cậu lấy que chọc vào đôi
mắt mờ một con chuột chũi, chúng phá lên cười, khi cậu ném đá vào người
hủi, chúng cũng phá lên cười. Với sự dẫn dắt của cậu, lũ trẻ trở thành những
kẻ nhẫn tâm hệt như cậu.
Một ngày nọ, một người đàn bà ăn xin đi qua làng. Quần áo bà rách nát
tả tơi, chân bà rớm máu vì trải qua những con đường đầy sỏi đá, tình cảnh
bà thật thảm thương. Vì quá mệt mỏi, bà đến ngồi dưới một gốc cây hạt dẻ
để nghỉ ngơi.
Cậu bé Ngôi Sao nhìn thấy bà, nó bèn gọi đồng bọn, “Nhìn kìa, một mụ
ăn mày gớm ghiếc ngồi dưới tán cây xanh rợp bóng. Nào chúng ta hãy đuổi
mụ đi, mụ ấy thật xấu xí.”
Thế rồi cậu tiến lại gần, vừa chọi đá vừa chế giễu bà, với ánh mắt kinh
hoàng bà nhìn cậu không rời mắt. Bác tiều phu đang chẻ củi ngay gần đó,
thấy những việc cậu bé Ngôi Sao đang làm, bác chạy lại quát mắng cậu:
“Con thật là một đứa trẻ nhẫn tâm, không biết thương yêu ai cả, người đàn
bà đáng thương kia có làm gì con đây mà con không thể đối xử với bà tử
tế?”
Cậu bé Ngôi Sao giận đỏ cả mặt, cậu giậm mạnh chân xuống đất và gào
lên: “Ông là ai mà dám hạch sách việc tôi làm? Tôi có phải con ông đâu mà
phải tuân lời ông?”
“Con nói phải đó,” bác tiều phu trả lời, “nhưng bố đã rủ lòng thương
con khi tìm thấy con trong rừng.”
Người đàn bà nghe thấy những lời ấy, chợt thét lên một tiếng rồi ngất
đi. Bác tiều phu đỡ bà vào nhà mình cho vợ mình chăm sóc, và khi bà tỉnh
lại, họ đem đồ ăn và nước uống cho bà, dành cho bà những lời an ủi.
Nhưng bà không ăn cũng chẳng uống mà chỉ hỏi bác tiều phu, “Chẳng
phải ông đã nói tìm thấy đứa bé ở trong rừng sao? Phải chăng là mười năm
trước đây?”
Bác tiều phu đáp, “Đúng vậy, chính trong khu rừng, mười năm trước tôi
tìm thấy nó.”