“Có một phóng viên đã viết vài điều không đúng về mẹ. Phê
bình tác phẩm đã đành, đằng này lại động chạm đến lý lịch của mẹ.
Khi đó mẹ liền gọi ngay cho bạn mẹ là phóng viên của một tờ báo
khác để kể hết mọi việc, và hỏi xem nên làm thế nào. Người bạn đó
khuyên mẹ đừng gọi điện, chỉ nên gửi thư điện tử (bởi mẹ rất nóng
tính). Nếu soạn thư điện tử có thể hỏi cặn kẽ từng điều, và bảo
người phóng viên kia chớ phạm những lỗi như thế nữa…”
Có lẽ khi ấy mẹ cũng không nghĩ vì sao lại kể tôi nghe chuyện
này. Khi mẹ nói, tôi cảm thấy bà chìm đắm vào cảm tính của chính
bản thân, nhưng dường như mẹ cũng có “năng khiếu” khiến những
ai cũng từng rơi vào cảnh ngộ đó đồng cảm. “Rồi sao ạ?” - Tôi khẽ
hỏi. Môi mẹ run run như cố kìm nén cơn khóc rồi mới nói tiếp.
“Thì thế, mẹ chỉ muốn cho phóng viên đó biết để sửa lỗi của
mình… Cũng chỉ nói qua điện thoại vài câu rồi cúp máy. Mẹ cứ nghĩ
mãi, nghĩ mãi. Càng nghĩ càng thấy ghét việc mình đã gửi thư. Cũng
thấy ghét cả việc phản kháng một cách lặng lẽ như thế. Người bạn
phóng viên của mẹ lúc nào cũng xem mẹ thật thanh cao, chính trực cơ
mà… Mục đích của mẹ, suy cho cùng cũng là muốn người ta thấy rõ
bản chất của việc đánh giá không hay về tác phẩm của mẹ và đánh
giá không tốt về mẹ. Phóng viên đó mới vào nghề nên nếu có làm
gì sai với mẹ - một nhà văn gạo cội - thì cũng chẳng tốt đẹp gì, xem
ra họ cũng đã tính toán để không thể tùy tiện động chạm tới mẹ”.
Nghe mẹ kể tôi khẽ cười. Mẹ cũng cười theo. Tôi chống cằm hỏi
lại mẹ:
“Rồi sao nữa ạ? Mẹ đã làm thế nào?”
Mẹ lại mím môi rồi tiếp tục nói.