Những số điện thoại nhảy nhót trên màn hình trước mặt Klaus Torkildsen
trong phòng điều phối tại Tổng đài Telenor, khu vực Oslo. Anh ta đã dặn các
đồng nghiệp đừng làm phiền rồi khóa cửa lại.
Chiếc sơ mi anh ta mặc đang ướt đẫm mồ hôi. Nhưng không phải vì anh
ta chạy bộ tới chỗ làm. Mà anh ta chỉ đi bộ - với tốc độ không nhanh cũng
chẳng chậm - và đang trên đường tới phòng làm việc thì bị cô lễ tân gọi lại.
Bằng họ. Anh ta thích thế.
“Anh có khách,” cô ta nói, chỉ vào người đàn ông đang ngồi trên sofa ở
khu lễ tân.
Klaus Torkildsen vô cùng sửng sốt. Sửng sốt là bởi công việc của anh ta
vốn không đòi hỏi phải tiếp khách. Điều đó chẳng phải ngẫu nhiên, những
lựa chọn của anh ta trong công việc và cuộc sống riêng tư đều là để thỏa
mãn nhu cầu tránh né mọi sự tiếp xúc trực tiếp với con người, trừ trường
hợp bất khả kháng.
Người đàn ông trên sofa đứng dậy, nói rằng mình là cảnh sát rồi bảo anh
ta ngồi xuống. Klaus ngồi lún mình trên ghế và càng lúc càng lún sâu, cảm
thấy mồ hôi vã ra như tắm khắp cơ thể. Cảnh sát. Anh ta đã chẳng còn dính
dáng gì tới họ suốt mười lăm năm qua, và dù xưa nay chỉ phải nhận đúng
một vé phạt, thì cảm giác hoang tưởng vẫn luôn xuất hiện ngay lập tức bất
cứ khi nào anh ta nhìn thấy bóng dáng bộ cảnh phục trên phố. Từ lúc người
đàn ông này mở miệng là mồ hôi Klaus đã lập tức túa ra.
Ông ta đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, nói rằng họ cần anh ta truy dấu một
chiếc điện thoại di động. Klaus đã từng làm tương tự theo yêu cầu của họ
trước đây. Cũng khá đơn giản. Điện thoại di động khi bật lên sẽ phát ra tín
hiệu đều đặn nửa giờ một lần, tín hiệu này sẽ được những trạm thu phát sóng
nằm rải rác trong thành phố thu nhận. Không những thế, trạm thu phát sóng
còn ghi nhận toàn bộ cuộc gọi của các thuê bao, cả gọi đến lẫn gọi đi. Căn
cứ vào tầm phủ sóng của mỗi trạm riêng biệt, họ có thể tính toán để xác định
được vị trí của chiếc điện thoại trong phạm vi một kilomet vuông. Chính
điều này đã gây ra vô số rắc rối trong vụ anh ta tham gia, tại khu bảo tồn
thiên nhiên gần Kristiansand.