Cô đứng dậy, đi theo anh ta vào phòng rửa ảnh, anh ta trỏ vào một tấm
ảnh vẫn còn đang treo trên dây cho khô.
“Tấm này chụp hôm thứ Hai tuần trước,” Bjørn nói. “Thời điểm chụp là
năm rưỡi chiều, khoảng nửa giờ sau khi Barbara Svendsen bị giết ở quảng
trường Carl Berners. Cô có thể dễ dàng đạp xe từ đó đến công viên Frogner
trong thời gian ấy.”
Trong ảnh có một cô gái đang mỉm cười trước đài phun nước. Bên cạnh
cô ta là một phần bức tượng điêu khắc. Beate biết bức tượng này. Đó là một
trong những nhóm tượng cây, tượng cô thiếu nữ đang lao mình từ trên cao
xuống. Cô luôn tới đứng trước bức tượng ấy mỗi khi gia đình cô lái xe tới
Oslo dạo chơi trong công viên Frogner vào Chủ nhật. Bố cô đã giải thích
rằng tác phẩm của Gustav Vigeland này tượng trưng cho nỗi sợ hãi của
người thiếu nữ đang lao mình trước viễn cảnh trưởng thành và làm mẹ.
Thế nhưng, hôm nay thứ khiến Beate chú ý không phải cô thiếu nữ. Mà là
phần phía sau đầu của một người đàn ông ở rìa bức ảnh. Người này đang
đứng trước một cái thùng rác màu xanh lục. Trên tay anh ta cầm một chiếc
túi nylon màu nâu. Anh ta đang mặc áo bó màu vàng và quần cua rơ màu
đen. Trên đầu anh ta đội mũ bảo hiểm đen, kính râm và bịt mặt bằng khăn.
“Gã Nhân viên Giao hàng,” Beate khẽ nói.
“Có thể,” Bjørn Holm nói. “Tiếc là hắn vẫn bịt mặt.”
“Có thể.” Câu nói ấy nghe như một tiếng vọng. Beate xòe tay ra, mắt vẫn
dán vào tấm ảnh. “Kính lúp.”
Holm tìm thấy chiếc kính trên bàn giữa những túi đựng dung dịch rửa ảnh
và đưa nó cho cô.
Cô nhắm một mắt khi rà chiếc kính lúp qua tấm ảnh.
Bjørn Holm quan sát vị sếp của mình. Dĩ nhiên anh ta đã nghe kể nhiều
chuyện về Beate Lønn hồi cô còn điều tra những vụ cướp ngân hàng, về việc
cô đã ngồi một mạch mấy ngày liền trong “Nhà Đau đớn” - căn phòng lưu
trữ video kín như hũ nút - để xem băng video quay cảnh vụ cướp, kỹ đến
từng khung hình, vừa xem vừa soi chi tiết dáng người, ngôn ngữ cơ thể,
những đường nét khuôn mặt đằng sau những chiếc mặt nạ. Cuối cùng cô