của mình, lẽ ra cô nên từ chối. Để giữ gìn lễ giáo, lẽ ra cô nên từ chối mới
phải.
“Thích nhỉ,” người lái xe nói.
Lễ giáo và từ chối. Đến giờ cô vẫn còn ngửi thấy mùi kho thóc và bụi
bặm từ đống rơm rạ, đồng thời hình dung ra cảnh chiếc thắt lưng của bố cô
cắt ngang những luồng sáng chiếu qua khe hở giữa các tấm ván gỗ trong kho
lúc ông ra sức đánh cho cô tỉnh ngộ. Lễ giáo và từ chối. Và cô vẫn chưa
quên cảm giác khi bàn tay mẹ vuốt ve mái tóc mình trong bếp sau trận đòn,
khi bà hỏi vì sao cô không thể giống như Lisbeth. Vừa thùy mị vừa thông
minh. Cho đến một hôm, Toya đã giằng ra khỏi vòng tay mẹ và nói con
người cô là vậy, cha nào con nấy cả thôi, và chẳng lẽ mẹ không thấy ông ta
giở trò đồi bại với Lisbeth chẳng khác nào cầm thú, hay đến chuyện đó mà
bà cũng không biết? Toya đã nhận thấy nét mặt mẹ biến sắc, nhưng không
phải vì bà không biết điều đó là bịa đặt, mà vì giờ đây bà đã hiểu ra Toya sẽ
không từ bất cứ việc gì để có thể phá hoại gia đình này. Thế rồi Toya lấy hết
sức gào lên thật to rằng cô căm ghét tất cả bọn họ, bố cô từ phòng khách đi
vào với tờ báo trên tay, khi nhìn vẻ mặt họ, Toya có thể nhận ra rằng họ hiểu
lần này những lời cô nói không còn là bịa đặt. Giờ đây, khi họ đã ra đi, cô có
còn ghét họ nữa không? Cô không biết. Không. Bây giờ cô chẳng ghét ai cả.
Nhưng đó không phải lý do khiến cô đồng ý làm điều này. Cô làm vì thích.
Vì nó đi ngược lại lễ giáo, vì không muốn từ chối. Và còn vì đó là trái cấm
có sức hấp dẫn khôn cưỡng.
Cô trả cho tài xế hai trăm krone kèm theo một nụ cười và bảo anh ta cứ
giữ lấy tiền thừa, cho dù chiếc xe bốc mùi thấy gớm. Chỉ đến khi chiếc taxi
đi rồi Toya mới hiểu vì sao anh ta cứ nhìn chằm chằm vào gương. Cái mùi
đó không phải của anh ta, mà bốc ra từ người cô.
“Chết tiệt!”
Cô quệt phần đế bằng da của chiếc bốt cao bồi cao gót lên vỉa hè, để lại
mấy vệt màu nâu. Cô đưa mắt tìm xem có vũng nước nào không, nhưng
chẳng có nổi một vũng ở Oslo gần năm tuần nay rồi. Cuối cùng cô đành bỏ
cuộc và bước tới nhấn chuông cửa.