tắm tại căn hộ của mình ngay giữa thanh thiên bạch nhật một ngày thứ Sáu.
Khẩu súng ngắn được tìm thấy trong thùng rác của căn hộ hóa ra lại chính là
hung khí. Hàng xóm không ai trông thấy gì, cũng chẳng kẻ lạ mặt nào bị
phát hiện lởn vởn xung quanh đó, chỉ một người hàng xóm nói rằng có nghe
thấy âm thanh giống như là tiếng súng. Vì căn hộ không có dấu hiệu bị đột
nhập, nên cảnh sát đang điều tra theo hướng giả thuyết Camilla Loen đã đích
thân mở cửa cho hung thủ vào, nhưng không ai trong số bạn bè và người
quen của cô ta có dấu hiệu khả nghi, tất cả bọn họ đều có bằng chứng ngoại
phạm tương đối chắc chắn. Việc Camilla Loen, hiện đang làm nhân viên
thiết kế đồ họa tại công ty Leo Burnett, ra về lúc bốn giờ mười lăm phút
chiều vì có hẹn với các bạn trước cổng trung tâm triển lãm Kunstnernes Hus
lúc sáu giờ cho thấy rất khó có khả năng cô ta mời ai đó đến nhà. Một khả
năng khác cũng bất khả thi không kém là có người nhấn chuông căn hộ của
Camilla rồi giả danh ai đấy để lẻn vào trong, vì Camilla nhất định sẽ nhìn
thấy mặt kẻ ấy qua camera ghi hình trên hệ thống điện thoại nội bộ ở cổng.
Tình hình vốn đã chẳng mấy sáng sủa khi giới báo chí tung ra những hàng
tít như “Vụ án mạng tâm thần” và “Hàng xóm nếm máu”, vậy mà còn có
thêm hai chi tiết nữa bị rò rỉ khiến các trang nhất càng được dịp giật tít:
“Camilla Loen bị chặt ngón tay” và “Phát hiện ngôi sao kim cương đỏ dưới
mí mắt nạn nhân”.
Ban đầu Roger Gjendem dùng cấu trúc câu ở thì hiện tại để tóm tắt vụ án
nhằm tăng tính thời sự, nhưng rồi anh ta phát hiện ra điều đó không cần thiết
nên đã xóa hết những gì viết được. Anh ta ngồi đó một lúc, vùi đầu lên hai
bàn tay. Thế rồi anh ta nhấp đúp vào biểu tượng thùng rác trên màn hình
máy tính, di chuột tới dòng chữ “Xóa tất cả”, song lại do dự. Đó là bức ảnh
duy nhất của cô mà anh ta có. Tất cả những thứ thuộc về cô đã bị tống khứ
khỏi căn hộ anh ta ở. Thậm chí Roger còn giặt sạch cái áo len cô thường
mượn và cũng là món đồ anh ta thích mặc vì nó vương mùi hương của cô.
“Vĩnh biệt,” anh ta thì thầm và nhấp chuột.
Anh ta đọc lại phần mở bài rồi quyết định đổi “Ullevålsveien” thành
“Nghĩa trang Our Saviour” - cái tên mới nghe hay hơn. Sau đó anh ta bắt tay